Đời sống Xã hội

Trật tự thị trường Hàn Quốc "lung lay" là do những cuộc đầu tư 'nổi dậy' của giới trẻ?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:52 04-05-2021
Đầu tư theo kiểu 'YOLO' vào các loại tài sản lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cao Không tìm thấy 'chìa khóa' hóa giải những bất an về tương lai
Giới trẻ trong độ tuổi từ 20~30 được gọi chung là thế hệ MZ, đang làm rung chuyển trật tự thị trường tài sản.

Thế hệ này đã nổi lên như một lực lượng dẫn dắt trong thị trường bất động sản và chứng khoán cũng như thị trường tiền điện tử và hàng hóa xa xỉ.

Thế hệ này tự nhận thấy rằng cho dù có làm việc kiếm tiền cả đời cũng khó mua được nhà, cuộc sống sau nghỉ hưu cũng vô cùng tăm tối. Hành vi vay nợ để đầu tư có thể coi là một bước đi nguy hiểm tuy nhiên những người trẻ tuổi thuộc thế hệ này vốn sống theo phương châm 'YOLO' (you only live once: bạn chỉ sống một lần trên đời, do đó cần sống hết mình không sợ hãi) đã không hề ngần ngại để lao vào đầu tư. 

Những người đi trước khuyên rằng hành vi đầu tư không hề tính toán của những người trẻ tuổi này là vô cùng rủi ro, tuy nhiên thế hệ MZ phải phản bác rằng 'so với rủi ro của đầu tư tiền điện tử, cuộc sống của tôi còn rủi ro hơn nhiều'.

 

[Ảnh=Yonhap News]

 
◇ Thế hệ người trẻ 'giận dữ' làm rung chuyển trật tự thị trường

Cho đến 2~3 năm trước, những người thuộc độ tuổi 20~30 chỉ là đối tượng hỗ trợ cho thị trường tài sản trong nước như bất động sản và thị trường chứng khoán. Trụ đỡ chính là thế hệ đi trước từ 40 tuổi trở lên sở hữu mức lương cao và có lượng tài sản tích lũy nhất định.

Nhưng kể từ năm 2020, tình hình đã thay đổi đáng kể. Trong bối cảnh cơn lũ thanh khoản chưa từng có được tung ra để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của Covid19, giới trẻ 20~30 tuổi với nợ nần chồng chất, đã tràn vào thị trường bất động sản. Kể từ tháng 7 năm ngoái, tỷ lệ mua căn hộ ở Seoul của những người trẻ tuổi luôn duy trì ở mức 40%.

Trên thị trường chứng khoán, những 'chú kiến ​​Donghak' do thế hệ trẻ dẫn đầu, đã đẩy chỉ số KOSPI lên trên cột mốc trong mơ (3.000), vốn là rào cản của thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Về đầu tư, những nhà đầu tư chính của thị trường chứng khoán là vẫn thuộc nhóm đối tượng trên 40 tuổi. Tuy nhiên lượng cổ phiếu nắm giữ năm ngoái đã tăng 121% đối với những người ở độ tuổi 20 và 92,6% đối với những người ở độ tuổi 30. Trong số 3 triệu người bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu vào năm ngoái, có đến 1,6 triệu người tương đương 53,5% dưới 30 tuổi.

Năm nay, thế hệ MZ đang bắt đầu đổ xô vào thị trường tiền điện tử, thứ mà 'những người lớn tuổi' đã cảnh báo không nên tham gia vào do đây là loại tài sản đầu cơ nguy hiểm nhất trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trong quý đầu tiên của năm nay, trong số 2,5 triệu người đăng ký mới trên bốn sàn giao dịch lớn là Bithumb, Upbit, Kobit và Coinone, tỷ trọng của thế hệ MZ đạt 63,5%.

Ủy viên tài chính Eun Seong-soo, người đã đưa khuyến cáo về việc tiền ảo không phải là tiền tệ hay có giá trị nội tại, "Nếu bạn đang đi sai đường thì người lớn nên nói cho bạn biết". Tuy nhiên, sau khi đưa ra lời khuyên nhủ thì đã có người đệ đơn kiến nghị lên Nhà Xanh yêu cầu ủy viên Eun Seong-soo tự nguyện từ chức. Bản kiến ​​nghị được đăng lên từ ngày 23/4, đã được 150.000 người đồng ý tính đến ngày 3/5.

Không chỉ đầu tư vào bất động sản hay tiền điện tử, thị trường hàng xa xỉ cũng bị thống trị bởi thế hệ MZ. Tại Trung tâm thương mại Lotte và Trung tâm thương mại Shinsegae, chi tiêu của những giới trẻ chiếm khoảng 50% doanh số bán hàng xa xỉ vào năm ngoái. Đối với những người trẻ tuổi hàng xa xỉ vừa là công cụ để phô trương vừa là tài sản đầu tư dưới hình thức 'bán lại'.
◇ Cảm thấy bất an về công việc/nhà ở

Những người trẻ trong độ tuổi 20~30 có thể được coi là thế hệ 'kỹ thuật số' khi luôn sử dụng điện thoại thông minh một cách tối ưu hóa. Họ học hỏi, chia sẻ và đưa ra quyết định đầu tư trong không gian truyền thông xã hội trong lòng bàn tay. Vì vậy, cho dù đó là bất động sản, cổ phiếu hay tiền điện tử, các quyết định đầu tư đều nhanh chóng và dễ dàng.

Những người trẻ có thể huy động hàng trăm triệu won tiền mặt nhờ tín dụng của cha mẹ và công việc kiếm được nhiều tiền đã từng đổ xô vào thị trường căn hộ.

Tuy nhiên, giá trung bình của căn hộ ở Seoul là 1,1 tỷ won (khoảng 22,6 tỷ VND) và giá bán trung bình của căn hộ ở khu vực đô thị là 700 triệu won (khoảng 14,4 tỷ VND). Nếu không có số tài sản tích lũy được, thì việc mua nhà gần như không thể. Cũng có một cuộc khảo sát cho biết nếu bạn đang sống ở Seoul và không chi tiêu bất cứ một đồng nào thì cũng phải mất hơn 12 năm để có thể mua một căn hộ.

Có vẻ như nhận thấy những khó khăn chồng chất khi đầu tư và nhà đất, thế hệ MZ đã chuyển sang thị trường chứng khoán và tiền điện tử, vốn có rủi ro cao, nhưng lợi nhuận đem lại nếu "trúng mánh" cũng cao không kém.

Cho Young-moo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế LG, cho biết, “Những người trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường nhà ở dường như đang đầu tư mạnh mẽ hơn vào cổ phiếu hoặc tiền điện tử nhằm mục đích tăng trưởng tài sản do các kênh đầu tư này không cần số tiền tương quá lớn để có thể bắt đầu."

Thế hệ trẻ Hàn Quốc tự cảm thấy tuyệt vọng. Nhà cửa, tiền bạc và công việc gần như đều do thế hệ trên 40 tuổi nắm giữ. Những người trẻ hơn phàn nàn rằng ở thời điểm này cố gắng hết sức không còn đồng nghĩa với việc họ có thể tạo ra nhà cửa, tiền bạc hoặc công việc. Ở nơi làm việc, họ cũng luôn bị ngăn bởi một bức tường cao gọi là thâm niên.

"Một nhân viên văn phòng bình thường ở độ tuổi 30" - Người đã đệ đơn yêu cầu ủy viên Eun Seong-soo tự nguyện từ chức nói lên nỗi lòng của mình, "Tầng lớp 40~50 tuổi vốn sở hữu nhiều đặc quyền đang tạo ra tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ khi tích lũy tài sản dễ dàng trong bối cảnh xu hướng tăng bất động sản khiến cho cơ hội của những người dám 'chịu đựng đến cùng' cũng chẳng còn."

Chính những điều kiện ngoại cảnh đó đã khiến thế hệ trẻ cảm thấy bị xua đuổi dẫn đến hành vi đầu tư có xu hướng trở nên cực đoan. Ki Wan-seon, giáo sư y học sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Quốc tế St. Mary cho biết: “Ngày nay, những người trẻ tuổi có cảm giác thiếu thốn về kinh tế hơn vì khó tìm được việc làm và gia tăng giá trị tài sản ngày càng nhiều và trầm trọng hơn. Trong sự thiếu kiên nhẫn để giải quyết điều này, không ít các bạn trẻ lại sa ngã vào cờ bạc."
◇ "Cuối cùng, mấu chốt quan trọng nhất là giúp giới trẻ giảm bớt lo lắng về tương lai"

Các chuyên gia cũng có nhiều quan điểm khác nhau về việc giới trẻ đầu tư vào các loại tài sản rủi ro.

Giáo sư Seong Tae-yoon thuộc Khoa Kinh tế Đại học Yonsei cho biết, "Người ta tin rằng tình trạng thiếu việc làm do những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp và thị trường lao động cứng nhắc cũng như giá nhà ở tăng vọt do thất bại trong chính sách nhà ở có liên quan đến sự thất vọng của giới trẻ khiến nhóm đối tượng này ưa thích các tài sản rủi ro."

Nghiên cứu viên Cho Young-moo cho biết “Cần phải cung cấp những công việc có chất lượng và một cơ sở thu nhập ổn định để những người trẻ tuổi có thể tích lũy tài sản và lên kế hoạch cho tương lai. Cần phải xem xét lại chính sách công nghiệp tổng thể và cũng như hướng đi của nền kinh tế Hàn Quốc."

Kỳ vọng và nỗi lo lắng chính là mối giao nhau hình thành nên hành vi đầu tư của thế hệ trẻ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư IBK, ông Jeong Yong-taek cho biết, “Tôi nghĩ rằng giới trẻ ngày nay dành nhiều sự quan tâm cho việc đầu tư là một điều vô cùng đúng đắn. Trong những năm tuổi trẻ, do thời gian tạo thu nhập vẫn còn dài, nên tỷ trọng tài sản rủi ro ở mức cao vẫn có thể coi là hợp lý. Còn khi đã bắt đầu có tuổi thì việc tăng tỷ trọng tài sản an toàn chính là tiêu chuẩn phù hợp trong phân bổ tài sản."

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo “Đầu tư vào các tài sản rủi ro nên dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Sẽ rất rủi ro nếu đầu tư vào các tài sản không có giá trị thật."

Giáo sư Seong Tae-yoon cho biết “Điều đặc biệt nguy hiểm là sự mở rộng trong hành vi vay nợ để đầu tư. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một kế hoạch kiểm soát thích hợp cho việc này."

Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến quan tâm về sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Giáo sư Ki Wan-seon nói, "Tôi vô cùng lo lắng khi thấy giới trẻ ngày càng có xu hướng bốc đồng và không thể kiểm soát cơn giận của họ cũng như thường mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기