Đời sống Xã hội

Chuyện gì đang xảy ra với các công ty sản xuất mỳ ăn liền?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:42 11-05-2021
Dự kiến lợi nhuận quý I của 'Big 3' trong ngành công nghiệp mỳ ăn liền giảm mạnh Chi phí sản xuất tăng khiến lợi nhuận bị thu hẹp Khó có thể tăng giá do đặc thù 'thực phẩm bình dân'
Ngành công nghiệp mỳ ăn liền (ramyun) vốn ghi nhận kết quả kỷ lục vào năm ngoái, dự kiến ​​sẽ nhận được những bảng báo cáo đáng buồn ngày từ đầu năm nay. Nongshim, Ottogi và Samyang Foods, 'Big 3' (3 công ty đứng đầu) trong ngành công nghiệp mỳ ăn liền tại Hàn Quốc, đều dự kiến ​​sẽ ghi nhận mức sụt giảm 40% lợi nhuận hoạt động trong I/2021 so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch Covid19 vẫn còn phức tạp và nhu cầu mỳ ăn liền vẫn ổn định, tuy nhiên lại có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến kết quả ảm đạm này.
 

Xu hướng tăng trưởng trong quý I của 'Big 3' ngành mỳ ăn liền Hàn Quốc. [Ảnh=Kinh tế AJU]


Theo dữ liệu của công ty tài chính Fn Guide vào ngày 10, lợi nhuận hoạt động quý I/2021 của Nongshim (công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường mì mỳ ăn liền) ước tính vào khoảng 36,9 tỷ won. So với quý I/2020, đây là mức giảm khoảng 42% (26,7 tỷ won). Doanh thu dự kiến cũng ​​giảm 2,6% (17,6 tỷ won) so với cùng kỳ năm trước xuống còn 670,1 tỷ won.

Tình hình cũng tương tự đối với Ottogi và Samyang Foods. Lợi nhuận hoạt động của Ottogi trong quý đầu năm nay dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 14% (8 tỷ won) xuống còn 49,2 tỷ won, và Samyang Foods dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 30% (8 tỷ won) xuống còn 18,7 tỷ won. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, doanh thu của Ottogi được dự báo sẽ tăng 0,3% (2,1 tỷ won) lên 647,6 tỷ won và Samyang Foods tăng khoảng 6,6% (10,4 tỷ won) lên 146 tỷ won.

Năm ngoái, khi dịch Covid19 bùng phát ở Hàn Quốc từ khoảng tháng 2, nhu cầu về mỳ ăn liền, vốn được coi là món ăn đại diện cho người dân và thực phẩm khẩn cấp, tăng cao do tâm lý lo lắng của xã hội. Lợi nhuận hoạt động của Nongshim tăng hơn gấp đôi (101,6%) từ 31,6 tỷ won trong quý đầu tiên của năm 2019 lên 63,7 tỷ won trong quý I/2020. Trong cùng thời kỳ, Ottogi và Samyang Foods cũng tăng lần lượt 8,1% và 74,5% từ 52,9 tỷ won lên 57,2 tỷ won và từ 15,3 tỷ won lên 26,7 tỷ won.

Kể từ đó, khi các hướng dẫn phòng ngừa kiểm dịch, chẳng hạn như giãn cách xã hội được siết chặt trong một thời gian dài trải qua cả làn sóng lây lan thứ hai và thứ ba trong năm ngoái, nhu cầu về mỳ ăn liền tiếp tục được củng cố và duy trì ở mức vượt quá bình thường. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận hoạt động hàng năm của 'Big 3' lần lượt tăng 12,1% và 48,7% so với năm trước đó, ghi nhận doanh số cao nhất từ ​​trước đến nay.

Tuy nhiên đến năm nay, tình hình đã thay đổi. Điều này là do nhu cầu về mỳ ăn liền như một loại thực phẩm khẩn cấp để dự trữ giảm đi nhiều so với năm ngoái khi dịch Covid19 mới xuất hiện. Khi tình hình dịch bệnh càng kéo dài, người tiêu dùng đã có thêm nhiều lựa chọn đa dạng hơn với nhiều loại thực phẩm phong phú hơn chẳng hạn như gói thực phẩm sơ chế sẵn, mealkit, bánh mì hoặc gọi đồ ăn về nhà. Cũng có thể là do khi nhu cầu tiêu thụ giảm thì bong bóng về mỳ ăn liền cũng sẽ vỡ dẫn đến việc tình hình kinh doanh không còn giữ được sức nóng như năm 2020 nữa.

Năm nay, mức tiêu thụ mỳ ăn liền nói chung vẫn đang tăng lên do dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt nhưng theo phân tích thì lợi nhuận hoạt động còn kém xa tốc độ tăng trưởng doanh số do chi phí sản xuất cũng đang tăng lên.

Trong năm qua, giá của hầu hết các nguyên liệu chính cần thiết để tạo ra mỳ ăn liền như lúa mì, bột mì, đậu nành và dầu cọ, đều đã tăng vọt, dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn. Đặc biệt, giá dầu cọ và bột mì đã tăng lần lượt 82% và 40% so với một năm trước.

Trên toàn cầu, nhu cầu đối với các loại ngũ cốc chính đã tăng đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng kể từ năm ngoái, hầu hết giá ngũ cốc đều tăng vì mùa vụ ế ẩm do tình hình thời tiết tiếp tục xấu đi ở các khu vực trồng ngũ cốc chính như Bắc, Nam Mỹ và Úc. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng cao, kéo theo giá ngũ cốc tăng.

Thông thường, nếu giá nguyên liệu tăng thì giá bán cũng sẽ được điều chỉnh để duy trì tỷ lệ lợi nhuận, tuy nhiên ngành công nghiệp mì ăn liền thực sự không dễ dàng tăng giá mà vẫn chỉ đang trong trạng thái quan sát. Đó là vì lo ngại về việc dư luận sẽ chỉ trích khi các công ty tăng giá tiêu dùng tùy tiện do đặc tính của mỳ ăn liền là một sản phẩm giá rẻ, phù hợp với tất cả người dân. Do mỳ ăn liền có liên quan trực tiếp tới giá cả sinh hoạt hằng ngày trong đời sống thực tế của người dân nên chính phủ cũng có cái nhìn khá nhạy cảm với động thái tăng giá sản phẩm này.

Trên thực tế, Nongshim đã giữ nguyên giá của sản phẩm chủ lực “Shin Ramyun” từ năm 2016, và Samyang Foods sau lần tăng giá “Samyang Ramyun” năm 2017 thì cũng đã giữ nguyên giá bán cho tới nay. Thậm chí, Ottogi đã duy trì giá "Jin Ramyun" trong khoảng 13 năm kể từ năm 2008.

Một người trong ngành cho biết, “Gần đây, có rất nhiều băn khoăng trong ngành về tính cần thiết trong việc tăng giá các sản phẩm liên quan do giá nguyên liệu thô như ngũ cốc tăng đột biến. Tuy nhiên, vì bản chất của mỳ ăn liền là một sản phẩm bình dân, nên người tiêu dùng và chính phủ rất nhạy cảm với vấn đề này. Thêm vào đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty cũng khiến việc mạnh dạn tăng giá trở thành một tình huống khó khăn."

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기