Kinh tế Chính trị

Nền kinh tế Hàn Quốc năm 2023 có thể sẽ phải đối mặt với 'cơn gió lạnh'…Tăng trưởng dừng ở mức dưới 2%

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:25 24-11-2022
Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) đã mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tới (2023) của Hàn Quốc từ 2,1% xuống còn 1,7%.

 

[Ảnh=Yonhap News]


Gần đây, nhiều tổ chức kinh tế lớn của Hàn Quốc và nước ngoài đều đang đưa ra dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2023 của Hàn Quốc có thể giảm xuống mức dưới 2%.

Trong bối cảnh "cuộc khủng hoảng phức hợp" bao gồm lãi suất cao, lạm phát cao và tỷ lệ hối đoái cao ngày càng trầm trọng, xuất khẩu bị chững lại và tình hình kinh tế trong nước cũng không mấy sáng sủa, có nhiều ý kiến lo ngại rằng Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế, tăng trưởng GDP có thể sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

◇ BoK "dự đoán nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm tới"…Tốc độ tăng trưởng 'nguy hiểm'

Trong báo cáo triển vọng kinh tế sửa đổi được công bố vào ngày 24, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm tới của Hàn Quốc xuống còn 1,7%. Đây là mức giảm 0,4 điểm phần trăm so với con số 2,1% mà BoK đề xuất trong dự báo tháng 8.

Dự báo lần này của BoK thấp hơn dự báo 1,8% của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch (1,9%), Viện Quản lý và Tài chính Hana (1,8%) và Viện Tài chính Hàn Quốc (1,7%) cũng đã dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm tới đều không vượt quá 2%.

Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 2,0%) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 2,3%) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc ở mức dưới 2,5%.

Trong bối cảnh bình thường, Hàn Quốc chưa bao giờ ghi nhận tốc độ tăng trưởng dưới 2% ngoại trừ năm 2020 (-0,7%) trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, năm 2009 (0,8%) trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 1998 (-5,1%) trong cuộc khủng hoảng tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 1980 (-1,6%) trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Hàn Quốc thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng (2.0%) chỉ xuất hiện trong những khoảng thời gian xảy ra khủng hoảng lớn. Do vậy, nền kinh tế Hàn Quốc năm sau trên thực tế có thể đối mặt với những khó khăn không khác gì một cuộc khủng hoảng lớn.

◇ Xuất khẩu tiếp tục chững lại…Lạm phát cao vẫn đè nặng nền kinh tế

Xuất khẩu, một trong những động lực của nền kinh tế Hàn Quốc, đã cho thấy xu hướng chậm lại.

Xuất khẩu từ ngày 1~20/11 (giá trị tạm tính dựa trên dữ liệu thông quan) là 33,16 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2021, lần đầu tiên chuyển sang xu hướng giảm sau hai năm kể từ tháng 10/2020 (-3,9%).

Nếu xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng này, thì đây sẽ là lần đầu tiên giảm hơn hai tháng liên tiếp kể từ tháng 3~8/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát..

Lạm phát tiếp tục ở mức cao cũng là gánh nặng cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Khi lạm phát tăng mạnh, BoK đã phải tăng lãi suất cơ bản, nhưng việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương có thể làm tăng gánh nặng lãi suất, khiến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp bị thu hẹp hơn nữa.

BoK hạ dự báo lạm phát giá tiêu dùng năm tới từ 3,7% xuống 3,6%.

Có ý kiến cho rằng bản thân dòng chảy lạm phát cao sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm tới vì nó vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát của BoK là 2%.

Lạm phát kỳ vọng, tức tốc độ tăng giá tiêu dùng dự kiến ​​cho năm tới, cũng vẫn được dự báo sẽ treo ở mức cao.

Theo BoK, tỷ lệ lạm phát kỳ vọng trong tháng 11 là 4,2%, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 4,7% vào tháng 7. Chỉ số này đã liên tục tăng và giảm trong tháng 8 (4,3%), tháng 9 (4,2%), tháng 10 (4,3%) và tháng 11 (4,2%).

◇ Tâm lý người tiêu dùng xấu tiếp tục xấu đi trong 2 tháng liên tiếp…Chỉ số cảm nhận thực tế về kinh tế của doanh nghiệp cũng ghi nhận mức độ tồi tệ nhất trong 23 tháng

Tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc cũng đang xấu đi trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế.

Theo BoK, Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCSI) tháng 11 là 86,5, giảm 2,3 điểm so với tháng 10 (88,8).

CCSI tăng từ 86,0 vào tháng 7 lên 88,8 vào tháng 8 và 91,4 vào tháng 9, sau đó giảm xuống 88,8 vào tháng 10 và 86,5 vào tháng 11.

Trong số 15 chỉ số tạo nên Chỉ số Xu hướng Tiêu dùng (CSI), CCSI là một chỉ số được tính bằng cách sử dụng 6 chỉ số tạo nên Chỉ số Xu hướng Tiêu dùng (CSI) bao gồm tình hình cuộc sống hiện tại, triển vọng cuộc sống, triển vọng thu nhập hộ gia đình, triển vọng chi tiêu tiêu dùng, nhận định nền kinh tế hiện tại, triển vọng nền kinh tế trong tương lai. Nếu chỉ số này cao hơn 100, có nghĩa là tâm lý tiêu dùng lạc quan so với mức trung bình dài hạn (2003~2019).

Tình hình kinh doanh cũng không khả quan. Tâm lý kinh doanh đã xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong 1 năm 11 tháng.

Theo kết quả điều tra chỉ số kinh tế doanh nghiệp (BSI), kết quả BSI (thành tích) của tất cả các ngành công nghiệp trong tháng này đã giảm 1 điểm so với tháng 10 (76) xuống mức thấp nhất trong 1 năm 11 tháng kể từ tháng 12 năm 2020 (75).

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기