Kinh tế Chính trị

Sau dịch, các thương hiệu nhượng quyền Hàn Quốc bắt đầu tích cực "mở rộng lãnh thổ" trở lại

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:08 24-05-2023
Trong bối cảnh Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tại hầu hết các quốc gia các biện pháp phòng chống dịch cũng được gỡ bỏ gần như hoàn toàn, có thể thấy các công ty nhượng quyền thực phẩm và nhà hàng của Hàn Quốc đang bắt đầu nhanh chóng trở lại đường đua mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Trước đó, ngoài yếu tố dịch bệnh, do các vấn đề liên quan đến THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao) với Trung Quốc nên các dự án thâm nhập vào thị trường tỷ dân của các công ty Hàn Quốc cũng bị chững lại, thậm chí một số công ty còn phải giảm số lượng cửa hàng.
 
Tuy nhiên "chỗ trống" của Trung Quốc hiện đang được lấp đầy bởi Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt, Mỹ vốn được đánh giá là quốc gia có độ khó cao trong việc thâm nhập thị trường, nhưng gần đây, ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc chấp nhận thách thức này bởi đặc trưng muốn đánh dấu sự hiện diện của mình tại nơi hội tụ văn hóa ẩm thực toàn thế giới.

 

[Ảnh=AJU News]

◆ Các cửa hàng nhượng quyền gà rán không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á mà còn đang vươn đến Mỹ 
Việc mở rộng ra nước ngoài của các thương hiệu nhượng quyền Hàn Quốc đang được dẫn dắt bởi các quán gà rán. Trong đó , không chỉ bó gọn ở các thị trường Đông Nam Á xung quanh mà các thương hiệu gà rán nội địa của Hàn Quốc đang mở rộng lãnh thổ không ngừng ra các khu vực khác trên thế giới bao gồm Mỹ, Trung Đông và Châu Phi.
 
Vào ngày 1 (theo giờ địa phương), thương hiệu gà rán 'bhc' đã mở cửa hàng thứ hai tại thành phố Kota Damansara (Malaysia). Trước đó, vào năm 2018, 'bhc' đã bắt đầu mở rộng ra nước ngoài với cửa hàng quản lý trực tiếp tại Vượng Giác (Hồng Kông). Tính đến nay, trong năm 2023 'bhc' đã mở thêm cửa hàng đầu tiên tại Singapore và Bắc Mỹ.
 
Thương hiệu gà rán 'BBQ' đã bắt đầu mở rộng ra thị trường nước ngoài vào năm 2003, hiện đang điều hành hơn 700 cửa hàng tại 57 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Philippines, Fiji, Panama. 'BBQ' đặt mục tiêu tăng số cửa hàng ở nước ngoài lên 50.000 vào năm 2030.
  
Kyochon F&B, công ty điều hành thương hiệu gà rán 'Kyochon' hiện cũng đang điều hành các cửa hàng quản lý trực tiếp tại Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đã thâm nhập vào Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Trung Đông dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động sang 9 quốc gia ở Trung Đông và Châu Phi, tính đến quý I/2023, cơ sở kinh doanh toàn cầu của công ty đã đạt 67 cửa hàng tại 15 quốc gia.
 
'Norang Tongdak', một thương hiệu gà của Norang Food, cũng sẽ tiến vào Thái Lan sớm nhất vào nửa cuối năm nay. Norang Food cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu kinh doanh nhượng quyền theo hình thức nhượng quyền tổng thể.
 
Một quan chức trong ngành cho biết, "Sự bão hòa của thị trường trong nước dẫn đã đến sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu tại thị trường Hàn Quốc. Năm nay dự kiến ​​sẽ là thời điểm bước ngoặt cho việc mở rộng nhượng quyền thương mại thương hiệu gà rán ra nước ngoài. Tuy nhiên biến số lớn nhất ở đây đó là vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do các yếu tố bên ngoài như chiến tranh ở Ukraine".
 
◆ Không chỉ có gà rán, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi cũng đang tích cực tấn công thị trường nước ngoài đặc biệt là Mông Cổ
Số lượng các trường hợp mở rộng nhượng quyền ra nước ngoài trong các ngành khác ngoài gà rán cũng đang tăng lên. Thương hiệu đá bào (món tráng miệng của Hàn Quốc) 'Sulbing' gần đây đã tiến hành lễ ký hợp đồng nhượng quyền kinh doanh chính (master franchise) để có thể thành lập cửa hàng số đầu tiên tại Colorado (Mỹ).
 
'Sulbing' có kế hoạch sau khi mở cửa hàng đầu tiên ở California, là đầu cầu để vào Mỹ, sau đó sẽ cử nhân viên từ trụ sở chính ở Hàn Quốc đến thăm cửa hàng; sau đó sẽ tổ chức các cuộc họp kinh doanh với đối tác để phát triển hợp tác nội địa hóa. Theo đó, 'Sulbing' sẽ thúc đẩy nội địa hóa cửa hàng đầu tiên ở Colorado.
 
Bên cạnh đó, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cũng đang tích cực mở rộng ra nước ngoài.

CU đã đạt được 500 chi nhánh trên toàn cầu, chủ yếu ở Mông Cổ. Các cơ sở ở Mông Cổ của CU đã vượt quá 300 cửa hàng, chiếm 70% thị trường cửa hàng tiện lợi địa phương. Trong đó, nhờ sức nóng của Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) CU mất khoảng 26 tháng để mở cửa hàng thứ 100 và tiếp tục tăng tốc khi chỉ mất 18 tháng để mở cửa hàng thứ 200 và thêm 10 tháng nữa để đạt cột mốc cửa hàng thứ 300.
 
GS25 cũng đã mở khoảng 170 cửa hàng tiện lợi ở Mông Cổ, duy trì vị trí là nhà điều hành cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai ở Mông Cổ sau CU.
 
Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản & Thực phẩm Hàn Quốc (aT) về 'việc mở rộng các công ty dịch vụ thực phẩm ra nước ngoài năm 2022', trong số 2.999 công ty dịch vụ thực phẩm Hàn Quốc xét từ tháng 7~12/2022, có 4,2% (124) công ty đã tiến ra thị trường nước ngoài. Số lượng thương hiệu là 141 với tổng số 3.833 cửa hàng đang hoạt động. So với khảo sát năm trước đó (2021), số lượng thương hiệu đã tăng thêm 6 và số lượng cửa hàng tăng thêm 430.
 
Các quốc gia có sự hiện diện của nhiều thương hiệu nhượng quyền Hàn Quốc nhất là △Mỹ (46) △Việt Nam (37) △Trung Quốc (36) △Nhật Bản (31) △Thái Lan (23). Về số lượng cửa hàng, Mỹ là quốc gia có nhiều nhất cửa hàng nhượng quyền Hàn Quốc nhất với 673, tiếp theo là Trung Quốc (648), Việt Nam (519), Canada (236) và Thái Lan (210).

 

Một cửa hàng gà rán 'Kyochon' ở nước ngoài. [Ảnh=Kyochon Chicken]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기