Đời sống Xã hội

Người dân Seoul đã "lấy lại" được cuộc sống thường nhật giống như trước dịch

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:27 25-05-2023
Thành phố Seoul đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 20.000 hộ gia đình, 5.000 công dân và 2.500 người nước ngoài sống ở Seoul từ ngày 15/9~31/10 năm ngoái (2022) và nhận thấy các hoạt động văn hóa và hoạt động ngoài trời của người dân Seoul vào năm ngoái có xu hướng tăng lên đáng kể, gần như bắt nhịp trở lại với cuộc sống thường nhật trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

 
Biến động trong tỷ lệ tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của người dân Seoul.

Biến động trong tỷ lệ tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của người dân Seoul. [Ảnh=Thành phố Seoul]

Thống kê cho thấy tỷ lệ người dân Seoul tham gia các hoạt động văn hóa năm ngoái là 63,8%, tăng 8,1% so với năm trước đó, đặc biệt là các hoạt động văn hóa trực tiếp tăng từ 40,1% lên 54,3%. Ngược lại các hoạt động trực tuyến giảm từ 40,3% xuống còn 34,5%.

Tỷ lệ tham gia các hoạt động xã hội là 60,9%, tăng 3,2% so với năm 2021 và tỷ lệ tham gia các cuộc gặp mặt trực tiếp như gặp mặt bạn bè (29.6%→31.4%) và họp lớp (24.5%→30.4%) cũng tăng đáng kể. Tỷ trọng du lịch, dã ngoại ngoài trời vào các ngày trong tuần tăng từ 7,8% lên 35,1% còn vào cuối tuần tăng từ 28,5% lên 34,8%. Ngược lại, tỷ lệ các hoạt động giải trí trong nhà như chơi trò chơi trực tuyến, lướt Internet và xem video tại nhà giảm từ 29,1% xuống 6,1%.

Từ dữ liệu lớn về mức tiêu dùng qua thẻ tín dụng cũng có thể cảm nhận được tốc độ phục hồi trở lại cuộc sống hàng ngày của người dân Seoul. Số lượt thanh toán bằng thẻ tín dụng trung bình được thực hiện ở Seoul năm 2022 là 9,87 triệu lượt/ngày, vượt mức 9,66 triệu lượt/ngày của năm 2019. Số tiền thanh toán cũng tăng lên 342,5 tỷ won (khoảng 258 triệu USD), cao hơn so với mức 282,6 tỷ won của năm 2019.

Sau khi chạm đáy vào năm 2021 (trung bình 10,77 triệu người/ngày), dân số sinh sống ở Seoul cũng bắt đầu tăng trở lại với mức trung bình 10,84 triệu người/ngày vào năm ngoái. Dân số sinh sống là dữ liệu 'dân số hiện tại' của Seoul, được tổng hợp dựa trên khu vực mà cá nhân sinh sống tại thời điểm khảo sát và bao gồm tất cả những người sống ở Seoul hoặc đến thăm Seoul với mục đích làm việc, du lịch, chữa bệnh và đi học.

Năm ngoái, tỷ lệ người nước ngoài sống ở Seoul bị phân biệt đối xử là 38,1%, giảm đáng kể so với mức 53,1% vào năm 2020. Những khó khăn gặp phải khi sống ở Seoul lần lượt là giáo dục và nuôi dạy con cái, tìm kiếm cơ hội kinh tế, nhà ở, v.v. Thêm vào đó, 56,3% người nước ngoài đang sinh sống tại Seoul hy vọng sẽ tiếp tục sống tại đây trong tương lai và 57,1% cho biết họ muốn đề cử mọi người sống ở Seoul.

Tính đến năm 2021, khu vực Seoul có tổng cộng 250.000 hộ gia đình có trẻ em mẫu giáo dưới 6 tuổi, giảm khoảng 25,4% so với năm 2017. Trong các hộ gia đình có bố mẹ đều đi làm, thời gian di chuyển để đi làm trung bình của người vợ là 29,5 phút và của người chồng là 38 phút. Trong 51,2% gia đình có hai nguồn thu nhập và 78,8% gia đình có một nguồn thu nhập thì người vợ vẫn là người đảm nhận công việc nội trợ chính trong nhà và cách chăm sóc con được ưu tiên là gửi con tới nhà trẻ hoặc mẫu giáo.

Mặc dù cha mẹ có con ít hài lòng với đời sống văn hóa và giải trí hơn so với các cặp vợ chồng chưa có con hoặc những cặp chưa kết hôn, nhưng họ lại có chỉ số hạnh phúc cao nhất và chỉ số cô đơn thấp nhất.

 

[Ảnh=Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기