Kinh tế Chính trị

Tỉ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ năm 2019 của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 2%

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)17:18 14-02-2020
Chungbuk·Gwangju·Daegu·Gyeongbuk·Daejeon đều tăng trưởng âm

Siêu thị Emart tại Hàn Quốc [Ảnh=Ohmynews]


Năm ngoái, doanh số bán lẻ quốc gia đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước đó. Doanh số bán lẻ là một chỉ số về số lượng bán tại các đại siêu thị, cửa hàng miễn thuế, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trạm xăng. Nếu so với tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ là 4,3% của năm 2018 thì tốc độ tăng trưởng của năm 2019 đã giảm chỉ còn 2%.

Vào ngày 14, văn phòng thống kê quốc gia đã công bố bản báo cáo "Các xu hướng ngành sản xuất dịch vụ và ngành bán lẻ tại từng thành phố và khu vực của quý IV và hàng năm".

Theo dữ liệu, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm là 2,4% trong năm ngoái, thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với năm trước đó (4,3%). Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ là 1,9%, cao hơn so với năm 2017, nhưng việc giảm 2% doanh số bán lẻ cho thấy tiêu dùng tư nhân đang bị thu hẹp.

Yang Dong-hee, Giám đốc Phòng Thống kê Xu hướng Công nghiệp Dịch vụ Hàn Quốc, cho biết: "Nếu bạn nhìn vào doanh số bán lẻ hàng năm, doanh thu của năm ngoái đã tệ hơn nhiều so với năm 2018. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ ở Seoul và Jeju-do tăng chủ yếu là nhờ vào các cửa hàng miễn thuế."

Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ theo từng quý chỉ dừng ở mức 1,7% trong quý I, trong quý II (2,0%) và quý III (2,3%) tỉ lệ tăng cũng không quá 2,5%. Nhưng càng gần cuối năm, doanh số bán lẻ đã tăng lên được 3,4% trong quý IV/2019. Yoon Chang-hyun, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết "Khi gần đến thời điểm cuối năm, chính phủ đã đầu tư tiền để tăng trưởng kinh tế. Hành động chi tiêu tài khóa này có thể đã ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh số bán lẻ trong quý IV".

Doanh số bán lẻ năm ngoái cũng cho thấy sự phân cực. Điều này là do doanh số bán lẻ ở một số khu vực nhất định, như Seoul và Jeju, đã tăng đáng kể, trong khi doanh số bán lẻ ở các khu vực tập trung nhiều các ngành sản xuất đã giảm so với năm 2018.

Cụ thể, doanh số bán lẻ của Chungbuk giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước đó, Gwangju (-1,9%), Gyeongbuk (-1,1%), Daegu và Daejeon (-1,2%), Ulsan (-0,8%) và Gyeonggi (-0,7%). Ngoài ra, doanh số bán lẻ ở Jeonnam (-0,7%) và Chungnam (-0,6%) cũng giảm so với năm trước đó. Mặt khác, doanh số bán lẻ của Seoul tăng 5,1%, trong khi doanh số bán lẻ của Jeju tăng 10,7%.

Giáo sư Yoon cho biết "Vì giá bất động sản (giá trị định giá) ở một số khu vực, như Seoul tăng đã ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của những người sở hữu bất động sản và thúc đẩy mức tiêu thụ. Tuy nhiên nếu giá bất động sản giảm sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng tiêu cực hơn. Giáo sư cũng nói thêm "Tâm lý tiêu dùng nói chung đang bị thu hẹp và sự phân cực khu vực đang diễn ra sẽ ngày càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn."

Oh Jeong-geun, giáo sư CNTT tài chính tại Đại học Konkuk, nói: "Năm ngoái, các công ty công nghiệp nặng như đóng tàu và ô tô rất khó khăn và dường như những tác động xấu này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán lẻ. Với tỉ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ chỉ khoảng 2% cũng đồng nghĩa với động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước đang bị thu hẹp".

Mặt khác, ngành sản xuất dịch vụ tăng 1,5% trong năm ngoái, giảm 0,6% so với năm trước đó (2,1%). Trong quý IV/2019, sản xuất dịch vụ tăng 2,1% so với năm 2018.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기