THẾ GIỚI

5 kịch bản phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid19

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)15:17 02-04-2020
Mối lo ngại tồi tệ nhất về suy thoái hình chữ L nếu dịch Covid19 vẫn tiếp tục kéo dài đến 6 tháng cuối năm

[Ảnh=SmartBooks Daum Blog]

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nào và bao lâu nữa thì nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi sau đại dịch Covid19 hiện đang là 1 câu hỏi gây đau đầu.

Bloomberg News đã trích dẫn các dự đoán của chuyên gia vào ngày 2/4 về những kịch bản của nền kinh tế thế giới như 'cú lội ngược dòng hình chữ V', 'phục hồi theo hình chữ U', 'trì trệ theo hình chữ L', 'suy thoái kép hình chữ W', 'phục hồi chậm sau khi giảm kịch sàn theo chiều thẳng đứng'.

Trong báo cáo tuần này, JP Morgan nói về sự phục hồi kinh tế trong tương lai "Sự lây lan của Covid19 cũng như các chính sách ứng phó, các biện pháp kích thích kinh tế và động thái của khu vực tư nhân rất phức tạp. Cũng giống như câu "Ở đời không ai đoán được chữ ngờ", tình hình kinh tế thế giới trong tương lai là vô cùng khó đoán."

◆ Cú lội ngược dòng hình chữ V

Điều này có thể xảy ra nếu Covid19 biến mất ở châu Âu và Hoa Kỳ trong tháng này hoặc tháng sau kéo theo đó những hạn chế về giãn cách xã hội sẽ được được nới lỏng.

Bằng cách này, mức tiêu thụ bị ảnh hưởng tiêu cực từ Covid19 có thể nhanh chóng phục hồi nhờ gói kích thích khổng lồ của chính phủ.

Những nỗ lực của chính phủ với hy vọng hồi sinh các nhà máy và các dịch vụ khác nhau đồng thời giảm thiểu tình trạng sa thải nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp ​​sẽ giúp nền kinh tế trở lại được mức tăng trưởng dự kiến như trước khi xảy ra đại dịch Covid19 vào đầu năm tới.

Sự gia tăng mạnh mẽ trong Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Trung Quốc vào tháng trước là 1 tín hiệu để kinh tế toàn cầu nuôi hi vọng về khả năng "hồi phục  hình chữ V".

◆ Phục hồi hình chữ U

Phải mất nhiều thời gian hơn nếu dịch Covid19 tồn tại cho đến tháng 6. Do đó, cục diện ảm đạm của nền kinh tế sẽ bị kéo dài thêm do chưa thể giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội.

Gói kích thích quy mô lớn của chính phủ sẽ giúp phục hồi một phần tiêu thụ, nhưng việc ăn uống và mua sắm của người tiêu dùng sẽ không tăng trưởng nhanh được như trước.

Điều này là do các nhà máy và xưởng sản xuất cần thời gian để trở lại hoạt động đầy đủ và số lượng công việc bị mất trong cuộc khủng hoảng Covid19 sẽ không thể phục hồi ngay lập tức.

Một số cá nhân sẽ phải trả hết các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn Covid19 bùng phát và thương mại cũng chỉ có thể hồi phục 1 cách từ từ vì cần có thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các giả định này, sự phục hồi kinh tế sẽ không xảy ra cho đến khoảng thời gian cuối năm nay.

Park Jong-hoon, Trưởng phòng Kinh tế Hàn Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng "Chúng ta hiện không thể lạc quan về sự 'phục hồi hình chữ V' vì thời gian để nền kinh tế Trung Quốc phục hồi đang ngày 1 dài đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại."

◆ Trì trệ theo hình chữ L

Đó là khi Covid19 ảnh hưởng đến 6 tháng cuối năm và các biện pháp giãn cách xã hội cũng sẽ chỉ có thể được giảm bớt trong nửa cuối năm, do đó tình hình kinh tế sẽ tiếp tục bị đình trệ.

Ngay cả khi Covid19 được khống chế trước mùa hè thì cuộc suy thoái nãy vẫn sẽ kéo dài hơn dự kiến ​​và thời gian phục hồi kinh tế sẽ bị trì hoãn hơn nữa.

Trong kịch bản này, mọi người tiếp tục giảm chi tiêu dịch vụ, ở nhà và hầu như không bỏ tiền cho các hoạt động giải trí hay du lịch.

Các khoản nợ tích lũy trong cuộc khủng hoảng Covid19 sẽ khó trả lại hơn, và có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính sau khi các doanh nghiệp vỡ nợ và phá sản, cùng với đó là thị trường chứng khoán sẽ không thể có được sự đảo chiều ngay lập tức.

Với kịch bản này, chính phủ cần đưa ra các biện pháp kích thích bổ sung, nhưng cũng sẽ mất thời gian để thấy được hiệu quả từ những chính sách này.

Nomura Securities cho rằng sự trì trệ của nền kinh tế theo hình chữ L sẽ là kịch bản xấu nhất trong cuộc khủng hoảng Covid19 lần này.

◆ Suy thoái kép hình chữ W

Đó là khi chúng ta nghĩ rằng dịch Covid19 đã chấm dứt nhưng sau đó nó lại quay trở lại.

Đại học Hoàng gia Anh London (ICL) cảnh báo rằng nếu các biện pháp kiểm soát đối với Covid19 được giải tỏa quá sớm thì khả năng cao dịch bệnh sẽ tái phát trở lại.

Điều này có nghĩa là chính phủ lại phải tiếp tục thực thi các chính sách hạn chế khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của Covid19 cúng như đóng cửa các doanh nghiệp một lần nữa. Sự bất ổn đó sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái thêm một lần nữa.

Keith Wade, chuyên gia kinh tế cấp cao của Schroder Asset Management cho biết: "Ngay cả khi nền kinh tế đạt mức hồi phục hình chữ V, nó có thể phải đối mặt với khủng hoảng nếu Covid19 trở lại trong quý III/2020".

◆ Phục hồi chậm sau khi giảm kịch sàn theo hình chiều thẳng đứng

Giống như logo của công ty sản xuất đồ thể thao Nike, nền kinh tế sẽ lao dốc chạm đáy và sau đó phục hồi với tốc độ vô cùng chậm chạp.

Khi các biện pháp hạn chế khác nhau được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid19 dần được dỡ bỏ, các hoạt động và tiêu dùng của công ty cũng sẽ dần hồi phục.

Mức sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng thấp hơn so với trước khi Covid19 bùng nổ. Kể cả cho đến khi qua năm 2021 thì mọi người vẫn rất thận trọng trong tiêu dùng và du lịch do thiếu điều kiện về kinh tế.

Đặc biệt điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi số tiền nợ tăng lên.

Ngân hàng Berenberg của Đức cho biết, "Kinh tế cuối cùng cũng sẽ phục hồi lại bằng với mức trước khủng hoảng Covid19 nhưng thời điểm đó cũng chỉ có thể xảy ra sau khi nền kinh tế suy thoái mạnh và rồi sẽ tăng trưởng chậm chạp. Dự kiến sẽ mất khoảng hai năm để khôi phục trình độ kinh tế như trước Covid19."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기