Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc và cơn địa chấn khủng hoảng dân số…3 triệu người lao động sẽ biến mất sau 10 năm nữa

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:20 24-06-2021
Với việc Phó Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki đã đề cập đến một 'trận động đất dân số' sau 10 năm nữa, sự chú ý của dư luận nước này đang tập trung vào các biện pháp đối phó mà chính phủ sẽ thực hiện để giải quyết vấn đế này.

Phó Thủ tướng Hong cho biết trên Twitter vào ngày 23, "Nếu không có phản ứng đặc biệt, do sự chênh lệch về tuổi tác dân số, Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ trải qua một 'cơn địa chấn dân số' từ năm 2030~2040" và cùng với đó, phó Thủ tướng cũng cho biết chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này trong khoảng thời gian từ tháng 7~9 nhằm đưa ra các biện pháp giải quyết.

 

[Ảnh=Yonhap News]


"Địa chấn dân số" (Age-quake) là một thuật ngữ được đặt ra bởi tác giả và nhà nhân khẩu học người Anh Paul Wallace, người đã sử dụng nó để chỉ sức tàn phá của quá trình già hóa dân số nhanh chóng với hậu quả còn lớn hơn nhiều so với thảm họa tự nhiên là một trận động đất. Trong đó, Wallace đã so sánh hậu quả của địa chấn dân số (dân số già nhiều hơn so với dân số tham gia sản xuất, lao động) với trận động đất quy mô 9,0 độ Richter, tương ứng với cường độ của trận động đất năm 2011 ngoài khơi Fukushima đã làm rung chuyển vùng đông bắc Nhật Bản, kéo theo sóng thần lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

Khi đề cập đến vấn đề này, phó thủ tướng Hong đã mô tả "đây sẽ là một cú sốc làm lung lay cấu trúc xã hội từ gốc rễ”.

◇ Đến năm 2030, 'dân số lao động' sẽ giảm 3,15 triệu người

Một thực tế ai cũng biết là Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ già hóa xã hội nhanh nhất với tỷ lệ sinh thấp và dân số già.

Năm ngoái, tổng tỷ lệ sinh sản ở Hàn Quốc là 0,84 người. Đây là mức chưa từng có trong lịch sử thế giới. Thậm chí, có dự báo cho rằng tỷ lệ sinh năm nay sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa xuống mức 0,70%.

Năm ngoái, chính là điểm giao cắt của chênh lệch dân số ( Population Dead Cross), trong đó số ca sinh thấp hơn số ca tử vong với 300.000 ca tử vong so với 270.000 ca sinh. Sau khi giảm xuống dưới 400.000 vào năm 2017, số ca sinh đã tiếp tục giảm xuống dưới 300.000 trong liên tiếp ba năm. Có thể nói, Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn đầu của cơn địa chấn dân số.

Trong hoàn cảnh khó có thể nghe thấy tiếng khóc chào đời của trẻ sơ sinh, thì dân số Hàn Quốc đã ngày càng già đi với tốc độ chóng mặt. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng từ 15,7% năm 2020 lên 20,3% năm 2025, vượt mức 20% và bước vào top những quốc gia có xã hội siêu già. Đến năm 2060, tỷ trọng dân số cao tuổi tăng lên gần bằng một nửa dân số với mức 43,9%.

Với tỷ lệ sinh giảm và dân số già, dân số trong độ tuổi lao động tại Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm nhanh theo thời gian. Dân số trong độ tuổi lao động (15~64 tuổi) đã đạt đỉnh 37,65 triệu người vào năm 2018 và sau đó giảm 290.000 người trong vòng hai năm xuống còn 37,36 triệu người vào năm ngoái.

Tuy nhiên, độ tuổi từ 15 đến 64 khác với độ tuổi lao động thực tế. Trong cuốn sách xuất bản gần đây “Sự chung sống trong tương lai của dân số” (Population Future Coexistence), giáo sư nhân khẩu học Cho Young-tae của Trường Đại học Y tế Công cộng Đại học Quốc gia Seoul đã phân loại 'dân số lao động' là từ 25~59 tuổi, nhóm tuổi phát triển mạnh về sản xuất, tiêu dùng, đầu tư.

Theo Giáo sư Cho, 'dân số lao động' dự kiến ​​sẽ giảm từ 26,08 triệu người vào năm 2021 xuống còn 25 triệu người vào năm 2027 và dự kiến ​​sẽ đến năm 2031 sẽ giảm 3,15 triệu người so với năm nay.

Giáo sư Cho khẳng định "Trong 10 năm tới, dân số lao động tương đương với dân cư thành phố Busan hiện tại (3,7 triệu người) sẽ biến mất. Tại thời điểm này, bất cứ thị trường và thành phần xã hội nào cũng cảm nhận được sự chênh lệch về dân số". Điều này đồng nghĩa với việc cơn địa chấn dân số đã bắt đầu hoành hành đến mức ai cũng có thể cảm nhận được.

Khoảng 40 năm sau (năm 2060), tình hình sẽ tồi tệ đến mức chính sự tồn tại của Hàn Quốc cũng sẽ bị đe dọa. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, đến năm 2060, dân số Hàn Quốc sẽ giảm chỉ còn một nửa và đương nhiên, dân số trong độ tuổi lao động, dân số trong độ tuổi đi học và dân số nhập ngũ sẽ giảm dưới một nửa và chi phí phúc lợi xã hội cho tuổi già sẽ tăng 4,5 lần so với hiện nay.


 

[Ảnh=Getty Images]


◇ "Nếu chính phủ không có biện pháp giải quyết nào trong 10 năm tiếp theo, mọi thứ sẽ kết thúc"

Phó Thủ tướng Hong cho rằng, nếu không thể tránh được một trận động đất về dân số, có thể làm rung chuyển cơ cấu xã hội thì chính phủ Hàn Quốc nên có những phương án chuẩn bị giúp giảm cường độ của chấn động.

Phó thủ tướng cho biết “Chúng ta cần đạt được cả tăng trưởng về số lượng và cải thiện chất lượng của dân số lao động để hỗ trợ nền kinh tế bất chấp các yếu tố nhân khẩu học tiêu cực. Bên cạnh các biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, chúng ta cần thực hiện các biện pháp cụ thể hơn để thúc đẩy nhóm dân số không có hoạt động kinh tế (chỉ chung cho nhóm người không thể đóng góp vào nguồn cung cấp lao động vì không sẵn sàng làm việc hoặc không có khả năng làm việc) gia nhập thị trường lao động như thanh niên và phụ nữ, tiếp tục tuyển dụng người cao tuổi và tích cực sử dụng người nước ngoài."

Để thực hiện Kế hoạch cơ bản lần thứ 4 về mức sinh thấp và già hóa (giai đoạn 2021~2025), chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đầu tư tổng cộng 196 nghìn tỷ won (172,3 tỷ USD) từ nay cho đến năm 2025, trong đó có 36 nghìn tỷ won sẽ được chi cho năm 2021.

Chính phủ quyết định rằng mức sinh thấp là kết quả của các yếu tố kinh tế xã hội như vấn đề việc làm và nhà ở, các yếu tố văn hóa và giá trị như sự gia tăng các hộ gia đình độc thân và các con đường nhân khẩu học như giảm dân số trong độ tuổi sinh. Theo đó, phương hướng giải quyết cơ bản là 'nâng cao chất lượng cuộc sống' cho mọi thế hệ, bao gồm cả trẻ em, thanh niên và thế hệ đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, nhìn lại thực tế là tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức tồi tệ nhất ngay cả sau khi chính phủ rót 200 nghìn tỷ won vào các biện pháp cơ bản đối với tỷ lệ sinh thấp và già hóa kể từ năm 2006, chính người dân Hàn Quốc cũng băn khoăn với việc liệu có thể tin tưởng được ý chí và khả năng thực thi của chính phủ hay không.

Giáo sư Cho Young-tae đưa ra ý kiến "Nếu chính phủ công nhận vấn đề mức sinh thấp như một chương trình nghị sự quốc gia và tích cực xử lý nó, thì vấn đề đã không ngày càng trở nên tồi tệ hơn như hiện nay. Trên tất cả, tổng thống cần phải quan tâm đến vấn đề này hơn nữa".

Tiến sĩ Choi Seul-gi của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cũng chỉ ra rằng: "Nếu đã coi tỷ lệ mức sinh thấp là một vấn đề quốc gia và có ý chí giải quyết thì đáng ra phải có nhiều biện pháp giải quyết triệt để hơn thế. Tuy nhiên có vẻ chính phủ vẫn chưa quan tâm đúng mức về vấn đề này".

Các chuyên gia đều đồng tình rằng Hàn Quốc không còn nhiều thời gian nữa.

Giáo sư Cho Young-tae cho biết "Lẽ ra chính phủ đã phải hoàn thành việc kéo dài tuổi nghỉ hưu và cải cách lương hưu, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể làm được điều này. Có rất nhiều thách thức cần phải giải quyết trong 10 năm tới, nếu không, sau giai đoạn này, mọi chuyện sẽ thực sự không thể cứu vãn".

Tiến sĩ Choi Seul-gi đưa ra lập trường mạnh mẽ "Xã hội của chúng ta cần phát triển niềm tin vào cuộc sống và hy vọng vào tương lai ở những người trẻ tuổi, tuy nhiên khi nhìn vào vấn đề việc làm và nhà ở, có thể thấy giới trẻ vẫn còn rất nhiều điều bất an và lo lắng. Chính phủ cần phải mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng chính sách để tạo ra một môi trường nơi trẻ em có thể được sinh ra và lớn lên một cách khỏe mạnh."

 

[Ảnh=Getty Images Bank]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기