Kinh tế Chính trị

Coupang và những băn khoăn trước thềm IPO trên sàn chứng khoán Mỹ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:13 18-02-2021
Tranh cãi về việc phân phối cổ phiếu và nguồn gốc công ty Công nhận giá trị doanh nghiệp cao là điều 'tích cực'…Chỉ trích về sự 'tách biệt' giữa đổi mới và cải thiện môi trường làm việc
Sự kiện Coupang (công ty thương mại điện tử và giao hàng - còn được gọi là "Amazon Hàn Quốc") thúc đẩy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đang thu hút sự quan tâm lớn của cả truyền thông trong và ngoài nước. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá tích cực khi công nhận Coupang về giá trị của một doanh nghiệp quy mô lớn, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bất đồng về việc Coupang thực chất vốn là một công ty Mỹ và liệu hành vi mà Coupang thể hiện có phù hợp với các giá trị của doanh nghiệp hay không.
 

[Ảnh=Internet]

◇ Hầu hết các giám đốc điều hành là người nước ngoài…Tất cả các cổ đông sở hữu trên 5% vốn công ty là người ngoại quốc

Do Coupang là một công ty được thành lập bằng vốn nước ngoài chứ không phải vốn trong nước nên lỗi niêm yết phần lớn là do các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này xuất phát từ việc chủ thể niêm yết lần này (Coupang) là công ty Mỹ cũng như hầu hết các giám đốc điều hành chính, bao gồm cả các nhà sáng lập, đều là người nước ngoài và tất cả các cổ đông chính đầu tư cũng là vốn nước ngoài.

Trong báo cáo kiểm toán của mình, Coupang được chú thích là Công ty TNHH Coupang, hoạt động tại Hàn Quốc, là “chi nhánh Hàn Quốc” của Coupang LLC (Coupang Co., Ltd.) tại Hoa Kỳ. Và đối tượng niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ lần này là 'Coupang I&C', được chuyển đổi từ Coupang LLC mà thành.

Một số người phân tích rằng việc Coupang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ chứ không phải thị trường chứng khoán trong nước là do sự khác biệt trong hệ thống bỏ phiếu hoặc các quy định niêm yết tại Hàn Quốc. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng do Coupang là công ty Mỹ nên chỉ có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ được thôi.

Theo đơn đăng ký niêm yết của Coupang với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, tất cả các cổ đông lớn với hơn 5% đều là vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù tỷ lệ cổ phiếu chính xác không được tiết lộ nhưng được biết, Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) của Softbank Nhật Bản nắm giữ xấp xỉ 37%. Một số nhà quan sát nói rằng nếu việc niêm yết thành công, Quỹ Tầm nhìn sẽ tạo ra hơn 20 nghìn tỷ won tiền đầu tư.

Ngoài ra, hầu hết các giám đốc điều hành chủ chốt của Coupang, được tiết lộ trong đơn đăng ký niêm yết, cũng là người nước ngoài. Người sáng lập, Bum-Seok Kim, Chủ tịch Hội đồng quản trị, mang quốc tịch Mỹ.

Tuy nhiên, một số ý kiến ​​cho rằng việc xác định quốc tịch của một doanh nghiệp đã không còn phù hợp với xu thế thời đại bây giờ.
 

Bum-Seok Kim - Người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Coupang. [Ảnh=Yonhap News]


◇ Trao miễn phí cổ phiếu cho các nhân viên giao hàng…"Sẽ không có nhiều người thụ hưởng thực sự"

Giữa những "Couchin" (từ viết tắt của Coupang Chingu - tạm dịch: Những người bạn Coupang; chỉ những nhân viên chuyển phát hàng hóa được Coupang tuyển dụng chính thức) cũng có quan điểm chỉ trích, bất chấp việc Coupang tuyên bố sẽ trao miễn phí cổ phiếu trị giá tới 100 tỷ won cho các nhân viên làm việc ở hiện trường.

Dù trong một số trường hợp, động thái này có thể được hiểu theo hướng tích cực khi cho thấy sự công nhận của Coupang đối với nhóm đối tượng dễ bị gạt ra rìa của 'bữa tiệc tiền' như các nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, người ta phân tích rằng sẽ không có nhiều người thực sự nhận được số cổ phần mà Coupang đã thông báo với nội dung sẽ trao khoản quà tặng trị giá lên tới '2 triệu won/người'.

Số cổ phiếu mà Coupang thông báo sẽ tặng cho nhân viên giao hàng được chia làm 2 lượt. Khi làm việc hết 1 năm, nhân viên sẽ nhận được 50% số cổ phiếu, và nếu làm việc hết năm thứ 2 sẽ nhận nốt 50% còn lại.

Tuy nhiên, ai trong ngành cũng biết rằng tỷ lệ thay đổi nhân viên giao hàng của Coupang là vô cùng cao. Một Couchin tâm sự trong một trang xã hội trên Internet nơi tập hợp các Couchin rằng, "80% trong số những nhân viên giao hàng sẽ bỏ việc trong vòng 1~3 tháng. Hành động này chẳng khác nào Coupang đang cố dùng 'mồi nhử' là việc cung cấp cổ phiếu miễn phí để giữ chân các Couchins đang rời đi hay sao?"

Mặt khác, một ý kiến nhận được không ít sự đồng cảm của mọi người trong trang SNS trên bày tỏ rằng “Mong rằng Coupang sẽ đưa ra các phương án thiết thực để giải quyết điều kiện việc làm cho các nhân viên giao hàng tận nơi chứ không phải bằng cách tặng cổ phiếu”.

 

'Couchin' - nhân viên giao hàng của Coupang (hay còn được gọi là 'Coupangman'). [Ảnh=Internet]

◇ Liên tục xây dựng các chiến lược 'đổi mới'…Thực tế thì 'để xem nào?'

Mặc dù Coupang đã và đang phát triển bằng cách xây dựng các chiến lược 'đổi mới' trong ngành thương mại điện tử tại Hàn Quốc, tuy nhiên người lao động vẫn không ngừng chỉ trích hành vi của Coupang đối với nhân viên giao hàng của công ty.

Khi một ca nhiễm coronavirus mới (Covid19) xảy ra ở trung tâm phân phối Bucheon vào năm ngoái và trở thành một vấn đề xã hội, Coupang đã một mực nhấn mạnh việc "Doanh nghiệp chúng tôi đã tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn cách ly của các cơ quan chính phủ và thực hiện nhiều biện pháp an toàn khác nhau để phòng tránh và ngăn chặn sự lây lan của Covid19" và không một lần nào thừa nhận trách nhiệm của công ty.

Vào tháng 5 năm ngoái, tổng cộng đã có 152 trường hợp nhiễm Covid19 được xác nhận, bao gồm 84 nhân viên, thành viên gia đình và người quen, đã xảy ra tại Trung tâm phân phối Coupang chi nhánh Bucheon.

Ngoài ra, khi một nhân viên ở độ tuổi 20 đang làm việc tại trung tâm phân phối Chilgok, Gyeongsangbuk-do tử vong vào tháng 10 năm ngoái, không ít ý kiến chỉ trích được đưa ra là do người này đã phải 'làm việc quá sức'. Tại thời điểm đó, Coupang đã đưa ra một thông cáo báo chí dài bày tỏ lập trường 'Hiện, có một số cá nhân/tổ chức đang lan truyền những thông tin sai sự thật. Chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh mẽ với những nguồn tin xuyên tạc này." 

Tuy nhiên sau đó vào ngày 10 cùng tháng, Coupang chỉ đăng vẻn vẹn một lời xin lỗi vô cùng ngắn trên trang web của mình thông báo rằng "Chúng tôi tôn trọng quyết định của cơ quan' khi Công đoàn Phúc lợi Lao động quyết định công nhận vụ nhân viên giao hàng tử vong nói trên là một vụ tai nạn lao động.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기