Đời sống Xã hội

Xuất khẩu bánh kẹo Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhờ chiến lược tùy chỉnh phản ánh thị hiếu địa phương

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)18:01 29-03-2024
Sự phổ biến của các loại bánh kẹo, đồ ăn nhẹ của Hàn Quốc (K-snack) đang tăng lên nhanh chóng với đa dạng các sản phẩm từ kẹo dẻo, bim bim khoai tây, kem được xuất khẩu ra khắp toàn cầu.
 
Sản phẩm Choco Pie được bày bán trong một siêu thị ở Nga ẢnhOrion
Sản phẩm Choco Pie được bày bán trong một siêu thị ở Nga. [Ảnh=Orion]
Theo Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm năm 2023 đạt 12,14 tỷ USD, cao nhất từ ​​trước đến nay. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu bánh kẹo ghi nhận 659,1 triệu USD (887,1 tỷ won), tăng 6% so với năm trước đó.

Tiêu biểu cho các sản phẩm đồ ăn nhẹ Hàn Quốc mở cánh cửa ra thị trường nước ngoài không thể không nhắc tới 'Choco pie' của Orion. Choco Pie, được ra mắt vào năm 1974, hiện đã bán được hơn 3,5 tỷ chiếc mỗi năm tại hơn 60 quốc gia và hiện đã trở thành món ăn nhẹ cho mọi người trên khắp thế giới.

Hay như 'Pepero' của Lotte Wellfood, ra mắt năm 1983, đã được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia, bao gồm Mỹ, Philippines và Việt Nam. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đã ghi nhận 54 tỷ won.

Không chỉ có các loại bánh, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu kem Hàn Quốc cũng đạt thành tích lớn nhất từ trước tới nay, ghi nhận 100 triệu USD.

Theo thống kê xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu các món tráng miệng đông lạnh, bao gồm cả kem trong 11 tháng đầu năm ngoái (1~11/2023) là 89,05 triệu USD (khoảng 117,3 tỷ won), tăng 14,7% so với kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (77,61 triệu USD).

Sản phẩm kem Hàn Quốc tiêu biểu nhất có thể kể đến 'Melona' của Binggrae. 'Melona' đang trở nên vô cùng phổ biến ở Mỹ, nơi rất hiếm kem có hương vị trái cây, với hơn 18 triệu chiếc được bán ra mỗi năm.

Điều khiến K-snack trở nên phổ biến là chiến lược tùy chỉnh dựa trên phân tích chính xác về thị trường địa phương.

Ahn Tae-yang Giám đốc điều hành của Food Culture Lab, cho biết: "Để thâm nhập thành công vào thị trường địa phương, cần phải phân tích thị trường chính xác cũng như nỗ lực và đầu tư liên tục. Đặc biệt, sản phẩm cần có sự đa dạng về hương vị phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương". 

Không khó để có thể nhận thấy điểm chung của các món ăn nhẹ thành công là sự đa dạng về hương vị, đặc biệt là các sản phẩm phản ánh khẩu vị của người tiêu dùng địa phương.

Tại Nga, có tới 14 vị mứt khác nhau trong phần kem của Choco Pie đang được sản xuất và bán, chẳng hạn như quả mâm xôi, quả anh đào, xoài, phản ánh sở thích của người Nga là ăn các loại quả mọng.

Bim Bim khoai tây 'Turtle Chips' cũng đã cho ra mắt sản phẩm mới với hương vị chua cay (flaming lime) để nhắm đến thị trường Tây Ban Nha, vốn thích các loại sốt cay, hay một số vị khác phù hợp với khẩu vị của khách hàng địa phương như vị muối nấm truffle (trufle salt), vị kem chua (sour cream).

Melona, công ty chủ yếu bán kem hương dưa lưới ở Hàn Quốc, cũng đã phát triển các sản phẩm có hương vị được mỗi quốc gia ưa thích như dâu, xoài, dừa, khoai môn, quả hồ trăn hoặc giới thiệu các sản phẩm kem dạng hộp phù hợp với đối tượng khách hàng mua về cho cả gia đình.

“Nhu cầu về hương vị trái cây và các loại hạt nhiệt đới như dừa, xoài và quả hồ trăn đang gia tăng ở Mỹ và Canada, trong khi hương vị khoai môn lại phổ biến ở Philippines, còn hương chuối thì phổ biến ở Trung Quốc", Han Jeong-ryun phó giám đốc nhóm quan hệ công chúng của Binggrae, tiết lộ.

Văn hóa ẩm thực địa phương cũng được thể hiện tích cực trong việc phát triển sản phẩm.

Một ví dụ tiêu biểu là gelatin, nguyên liệu làm kẹo dẻo, thành phần chính trong Choco Pie. Về cơ bản, các công ty thường sử dụng gelatin chiết xuất từ ​​da heo, nhưng đối với các sản phẩm xuất khẩu sang các nước có nền văn hóa Hồi giáo không ăn thịt lợn, gelatin da bò được sử dụng làm nguyên liệu; còn đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia theo đạo Hindu, gelatin thực vật được chiết xuất từ rong biển lại là nguyên liệu tối ưu.

Cũng có những trường hợp công nghệ được sử dụng để khắc phục những điều kiện bất lợi ở địa phương và tìm kiếm sự khác biệt.

Sản phẩm tiêu biểu là kẹo dẻo 'My Gumi'. Kẹo dẻo được coi là sản phẩm có rào cản gia nhập cao vì dễ bị biến chất ở vùng khí hậu nóng ẩm. Trên thực tế, trong trường hợp của thị trường Việt Nam, do là quốc gia nhiệt đới nên ngay cả các thương hiệu kẹo dẻo nổi tiếng thế giới cũng chỉ chú trọng phân phối vào các siêu thị lớn có môi trường trưng bày tốt.

Một quan chức của Orion cho biết: "My Gumi (tên sản phẩm tại Việt Nam là 'Boom Jelly') được phát triển để duy trì chất lượng và hương vị ngay cả ở môi trường nhiệt độ cao bằng cách giảm độ ẩm của sản phẩm xuống 1~2% so với sản phẩm Hàn Quốc và thay đổi nguyên liệu thô cũng như tỷ lệ pha trộn. Kết quả là chúng tôi đã mở rộng sự hiện diện của mình sang các kênh bán lẻ nói chung, chiếm 70% phân phối tại địa phương".

Các hoạt động tiếp thị tích cực cũng rất cần thiết.

Bằng cách sử dụng các kênh như YouTube và TikTok, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo của Hàn Quốc kích thích sự quan tâm và tham gia của người tiêu dùng với nội dung chứa video nếm thử và các phương pháp ăn uống.

Đôi khi, các công ty không tiếc những khoản đầu tư táo bạo để tạo dấu ấn rõ ràng. Là động thái đầu tiên nhằm quảng bá bản thân tại thị trường Bắc Mỹ, Pepero đã tung ra một quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời kết hợp với nhóm nhạc thần tượng 'New Jeans' tại Quảng trường Thời đại New York và trung tâm Koreatown ở Los Angeles vào năm ngoái, đồng thời vận hành những chiếc xe buýt có dán hình ảnh quảng cáo ở New York và Los Angeles.

Ngoài ra, để nhắm tới thị trường Đông Nam Á, công ty đã tích cực quảng bá sản phẩm của mình bằng cách tổ chức các cửa hàng tạm thời (pop-up store) và các sự kiện nếm thử tại các địa điểm trung tâm ở Việt Nam và Philippines.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기