Kinh tế Chính trị

32 năm thương mại Việt NamㆍHàn Quốc - trụ cột vững chắc trong quan hệ song phương

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:00 01-07-2024
Hoạt động thương mại ngày càng đa dạng hóa…Kim ngạch thương mại năm 2023 đạt gần 80 tỷ USD Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp vào Việt Nam
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc luôn là trụ cột vững chắc và nổi bật nhất trong mối quan hệ song phương. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, hai quốc gia đã không ngừng mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thương mại, đưa kim ngạch thương mại song phương lên những tầm cao mới.
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 là khoảng 500 triệu USD, nhưng đã tăng lên gần 80 tỷ USD vào năm ngoái (năm 2023), tương đương mức tăng khoảng 160 lần sau 31 năm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng duy trì vị trí số 1 trong năm 2023. 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), trong năm 2023, Việt Nam thu hút được 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án, có tổng vốn đăng ký 85,865 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án FDI (39.140 dự án) và chiếm 18,3% tổng vốn FDI đăng ký (468,917 tỷ USD) vào Việt Nam.

Lũy kế tính đến đến ngày 20 tháng 5 năm 2024, có 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc vẫn đứng đầu với tổng vốn đăng ký hơn gần 87,2 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), xếp trên Singapore, Nhật Bản.

Trao đổi kinh tế giữa hai nước từng bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuy nhiên đã dần hồi phục sau đó và tăng trưởng tích cực trở lại trong thời gian gần đây.

Vào năm 2023, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhìn chung có giảm nhẹ, nhưng theo phân tích, điều này phần lớn là vì nhu cầu chậm lại do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Dự kiến quy mô thương mại song phương sẽ tăng trở lại vào năm 2024 khi kinh tế toàn cầu bắt đầu cải thiện.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), tính đến tháng 4 năm 2024, Hàn Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Ngoài ra, Hàn Quốc còn là nước xuất khẩu lớn thứ 3 vào Việt Nam và đứng thứ 2 trên thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Khác với năm 2023, khi thương mại giữa hai nước có phần trì trệ, xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc đối với Việt Nam lần lượt đạt 17,84 tỷ USD và 9,33 tỷ USD tương đương mức tăng 9,9% và 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng xuất khẩu chính (chiếm hơn một nửa (51,9%) tổng kim ngạch xuất khẩu) của Hàn Quốc sang Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay là chất bán dẫn, màn hình phẳng và cảm biến, sản phẩm dầu mỏ. Trong đó, xuất khẩu chất bán dẫn đã tăng 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giúp tăng tỷ trọng của mặt hàng này trong tổng xuất khẩu thêm 5,3 điểm phần trăm. Đặc biệt, xuất khẩu 'pin và pin lưu trữ' tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lọt vào top 10 mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trong cùng thời gian các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Việt Nam vào Hàn Quốc lần lượt là thiết bị truyền thông không dây, quần áo, máy vi tính, chất bán dẫn, thiết bị điện công nghiệp. Đặc biệt trong top 10 mặt hàng Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, các mặt hàng như chất bán dẫn (75,0%), thiết bị điện công nghiệp (22,9%) và máy phân tích điều khiển thiết bị đo đạc (20,4%) là những mặt hàng có mức tăng trưởng vô cùng tích cực, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기