Đời sống Xã hội

Các trung tâm thương mại lớn tại Hàn Quốc "chuyển mình" thành không gian kết hợp giải trí·trải nghiệm văn hóa

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:33 28-10-2024
Tại Hàn Quốc, khi các kênh phân phối trực tuyến dần chiếm lĩnh thị trường, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các trung tâm thương mại.

Trước đây, các trung tâm thương mại (TTTM) tự khẳng định mình là kênh đại diện cho các sản phẩm cao cấp và thương hiệu xa xỉ ở nước ngoài, tuy nhiên hiện đang đẩy nhanh quá trình cải thiện cơ cấu do lạm phát cao và tiêu dùng chậm chạp.

Thay vì xây dựng cơ cấu bán hàng thông qua việc mở các thương hiệu như thời trang, các TTTM đang tập trung mở rộng các cửa hàng ăn uống (F&B) quy tụ từ các thương hiệu nhà hàng trên khắp Hàn Quốc cũng như mở rộng nhiều không gian giải trí, trải nghiệm đa dạng dành cho giới trẻ, chẳng hạn như các cửa hàng tạm thời (pop-up).

 
Quang cảnh bên trong Thư viện Starfield nằm ở Starfield Suwon khu phức hợp mua sắm lớn nhất ở Suwon tỉnh Gyeonggi khai trương vào ngày 2612024 ẢnhShinsegae Property
Quang cảnh bên trong 'Thư viện Starfield' nằm ở 'Starfield Suwon', khu phức hợp mua sắm lớn nhất ở Suwon, tỉnh Gyeonggi, khai trương vào ngày 26/1/2024. [Ảnh=Shinsegae Property]
The Hyundai Seoul được coi là ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc cải thiện cơ cấu của các trung tâm thương mại.

The Hyundai Seoul, hiện được coi là thước đo chỉ số cho sự thành công cho các TTTM, khai trương vào tháng 2/2021, đã trở thành TTTM đạt doanh thu vượt quá 1.000 tỷ won trong thời gian ngắn nhất (2 năm 9 tháng) mà không khai trương một thương hiệu hạng sang lớn nào.

Chiến lược thoát khỏi khái niệm cửa hàng bán sản phẩm và phát triển thành một địa danh của Seoul đã được The Hyundai Seoul thực hiện thành công.

Thay vì hàng xa xỉ, The Hyundai Seoul đã thu hút các cửa hàng của các thương hiệu thời trang nội địa Hàn Quốc được giới trẻ quan tâm; bên cạnh đó cũng liên tục mở các cửa hàng pop-up lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khẳng định mình là địa điểm không thể bỏ qua của thế hệ trẻ Hàn Quốc cũng như du khách nước ngoài.

Tiếp nối The Hyundai Seoul, Trung tâm thương mại Hyundai đã giới thiệu 'Connect Hyundai' tại Busan với ý tưởng về 'mô hình bán lẻ thực tế' vào tháng 9/2024.

Connect Hyundai được đặc trưng như một không gian văn hóa kết hợp sức mạnh của nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, chẳng hạn như 'cao cấp' của một trung tâm thương mại, 'hiệu quả chi phí' của một trung tâm giảm giá (outlet) và 'trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật' của một bảo tàng nghệ thuật .

Chi nhánh Hyundai Busan, tiền thân của cửa hàng Connect Hyundai, nằm ở trung tâm thành phố và đối mặt với khủng hoảng khi các đối thủ lần lượt mở các cửa hàng lớn gần đó.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi thành Connect Hyundai, cuộc khủng hoảng đã trở thành cơ hội khi nơi đây thu hút nhiều lứa tuổi khác nhau bằng cách dành không gian cho các cơ sở văn hóa và trải nghiệm thuê cũng như các nhà hàng nổi tiếng khắp cả nước và bố trí nhiều không gian dành riêng cho trẻ em.

Cửa hàng bách hóa Hyundai có kế hoạch mở cửa hàng Connect Hyundai thứ hai tại Cheongju, dự kiến ​​hoàn thành vào tháng 5/2025.

Vào ngày 24, Trung tâm thương mại Lotte đã công bố 'Tầm nhìn 2030' với việc kinh doanh trung tâm mua sắm là động lực tăng trưởng trung và dài hạn cùng với việc khai trương Time Villas Suwon.

Mục tiêu của Trung tâm thương mại Hyundai cho tới năm 2030 là đầu tư khoảng 7.000 tỷ won vào hoạt động kinh doanh trung tâm mua sắm trong và ngoài Hàn Quốc để mở 13 trung tâm mua sắm trong nước và tăng doanh thu lên 6,6 nghìn tỷ won.

Lotte, vốn là thương hiệu số 1 trong ngành trung tâm mua sắm, đã chọn các trung tâm mua sắm tương lai làm động lực tăng trưởng mới dựa trên thành công của 'Lotte World Mall' tại Hàn Quốc và 'Lotte Mall Tây Hồ Hà Nội' tại Việt Nam.

Kể từ khi Trung tâm thương mại Lotte bắt đầu hoạt động nghiêm túc vào năm 2021, Lotte World Mall đã trở nên nổi tiếng nhờ thu hút các thương hiệu thời trang nội địa Hàn Quốc cũng như các thương hiệu F&B toàn cầu và các cửa hàng pop-up. Địa điểm này đã tăng trưởng nhanh chóng 25% mỗi năm và trở thành thánh địa mua sắm của thế hệ trẻ Hàn Quốc với 55 triệu du khách mỗi năm.

Bên cạnh đó, Lotte Mall Tây Hồ Hà Nội được xây dựng tại Việt Nam, tính đến tháng 9/2024 đã thu hút 10 triệu lượt khách tích lũy với doanh thu vượt 100 tỷ won (khoảng 1,8 nghìn tỷ VNĐ) trong khoảng thời gian cực ngắn chỉ trong vòng khoảng 4 tháng kể từ khi khai trương. Lotte Mall Tây Hồ Hà Nội dự kiến ​​​​sẽ đạt doanh thu 300 tỷ won (khoảng 5,4 nghìn tỷ VNĐ) vào cuối năm 2024 và trở thành một biểu tượng ở Việt Nam chỉ 1 năm sau khi ra mắt.

Bắt đầu với Time Villas Suwon, Trung tâm thương mại Lotte có kế hoạch xây dựng bốn trung tâm mua sắm mới ở Songdo, Suseong, Sangam và Jeonju vào năm 2030, đồng thời mở rộng và làm mới 7 chi nhánh hiện có, bao gồm Gunsan, Suwan, Dongbusan và Gimhae.

Ở nước ngoài, dựa trên mô hình thành công của Lotte Mall Tây Hồ Hà Nội, Trung tâm thương mại Lotte có kế hoạch thúc đẩy kinh doanh trung tâm mua sắm theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như mở cửa hàng mới và vận hành theo hình thức ủy thác.

Trung tâm thương mại Shinsegae đang tập trung năng lực của mình bằng cách tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau tại chi nhánh Gangnam, nơi đứng đầu về doanh số trên mỗi cửa hàng.

Năm ngoái, chi nhánh Gangnam đã trở thành cửa hàng đầu tiên ở Hàn Quốc đạt doanh thu vượt 3.000 tỷ won (khoảng 55.000 tỷ VNĐ), cao nhất trong số các trung tâm thương mại trên toàn thế giới.

Chi nhánh Gangnam đã tiếp tục làm mới không gian của mình trong những năm qua và năm nay họ đã xây dựng không gian dành riêng cho các món tráng miệng lớn nhất Hàn Quốc. Theo đó, số lượng khách, kể cả khách Hàn Quốc lẫn khách nước ngoài, đến tham quan, mua sắm tại chi nhánh Gangnam đã ngày càng tăng.

Ngoài ra, Trung tâm thương mại Shinsegae cũng đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động kinh doanh mới, chẳng hạn như mở rộng Starfield ra các khu vực trên toàn quốc và tham gia kinh doanh công viên giải trí.

Starfield lần đầu tiên xuất hiện với ý tưởng trung tâm mua sắm phức hợp kết hợp công viên giải trí, đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hanam vào tháng 9 năm 2016.

Với tổng diện tích sàn là 460.000㎡, đây là tổng diện tích sàn lớn nhất cho một tòa nhà vào thời điểm đó, và nó đã thu hút tất cả những danh hiệu lớn nhất của Hàn Quốc cũng như thế giới mở phòng trưng bày (showroom) như Hyundai Motors, Tesla Motors, Harley-Davidson Hàn Quốc và BMW.

Kể từ đó, các chi nhánh Starfield tại các khu vực khác chẳng hạn như Starfield Goyang đã lần lượt được mở cửa. Tính đến nay có tổng cộng 7 chi nhánh Starfield đang được vận hành, bao gồm Starfield Changwon và Starfield Cheongna, hiện đang được xây dựng.

Đồng thời, ở cấp độ tập đoàn, Trung tâm thương mại Shinsegae đang hợp tác với tập đoàn truyền thông toàn cầu ‘Paramount’ để quảng bá một dự án công viên giải trí rất lớn.

Đó là dự án tạo ra ‘Star Bay City’, một khu phức hợp bao gồm Công viên giải trí Paramount, ở thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Nếu dự án được hoàn thành đúng theo kế hoạch, đây sẽ là công viên giải trí đẳng cấp toàn cầu đầu tiên ở Hàn Quốc.

Đây là dự án đắt nhất trong lịch sử tập đoàn, với chi phí dự án khoảng 4,6 nghìn tỷ won; cao hơn khoảng 5 lần so với Starfield Hanam (1.000 tỷ won), vốn là dự án đắt nhất trong quá khứ. Trên thực tế, tập đoàn đang đầu tư vào các công viên giải trí như một hoạt động kinh doanh tăng trưởng mới.

'Star Bay City' hiện đang trong quá trình nhận được phê duyệt để được chỉ định là khu phức hợp du lịch ở tỉnh Gyeonggi. Trong năm nay, sau khi hoàn thành việc phê duyệt chỉ định là khu phức hợp du lịch, kế hoạch thành lập khu phức hợp du lịch ở tỉnh Gyeonggi sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2025 và hướng tới mục tiêu mở cửa vào năm 2029.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기