Kinh tế Chính trị

Từ thiết quân luật cho tới cuộc tổng đình công của giới lao động…Ngành công nghiệp Hàn Quốc đối mặt "mây đen u ám"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:04 05-12-2024
Ngành công nghiệp Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình hình tương lai không mấy sáng sủa khi liên tục bị bủa vây bởi những yếu tố bên ngoài như bất ổn chính trị từ việc Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố tình trạng thiết quân luật (dù đã được dỡ bỏ sau đó vài tiếng) cho đến cuộc tổng đình công của giới lao động.
 
Cuộc tổng đình công của công đoàn đường sắt được tổ chức tại Ga Gwangju Songjeong vào chiều ngày 5122024 ẢnhYonhap News
Cuộc tổng đình công của công đoàn đường sắt được tổ chức tại Ga Gwangju Songjeong vào chiều ngày 5/12/2024. [Ảnh=Yonhap News]
Theo thông tin trong ngành vào ngày 5, cộng đồng doanh nghiệp và ngành công nghiệp đang theo dõi chặt chẽ tình hình bất ổn chính trị cũng như những rủi ro kinh tế kéo theo do việc ban bố và dỡ bỏ thiết quân luật gây ra.

Khi căng thẳng chính trị gia tăng từ đêm ngày 3 đến rạng sáng ngày 4/12 do tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol và sau đó đã được Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ, các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc như Samsung, SK, LG ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhằm bàn bạc và chuẩn bị cho các biện pháp ứng phó có tính đến các kịch bản rủi ro kinh tế trong tương lai.

Trong đó, các tập đoàn tập trung phân tích tác động của sự cố này đối với thị trường và bản thân doanh nghiệp, bao gồm xu hướng thị trường tài chính và kế hoạch ứng phối đối với khách hàng nước ngoài.

Hậu quả kéo theo của sự cố thiết quân luật cũng được đánh giá là khá nghiêm trọng.

Lệnh thiết quân luật được áp dụng vào sáng sớm ngày 4, đã khiến tỷ giá biến động mạnh. Giá đồng won Hàn Quốc bất ngờ lao dốc, về mức thấp nhất trong 8 năm qua khi giảm 2,5% về 1.442 KRW đổi 1 USD. 

Giá cổ phiếu của một số công ty Hàn Quốc trên sàn chứng khoán New York cũng giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số KOSPI đóng cửa ở mức 2460, giảm 1,44% so với hôm trước đó và chỉ số KOSDAQ cũng đóng cửa ở mức 677, giảm 1,98%.

Mặc dù các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia như chip bán dẫn, thép, đóng tàu vẫn hoạt động bình thường không bị gián đoạn, nhưng dự kiến ​​các ngành này sẽ đặc biệt căng thẳng và bị theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới do bất ổn chính trị và các yếu tố bất lợi bên ngoài gia tăng.

Với tình hình các đảng đối lập đẩy mạnh đề xuất luận tội Tổng thống, sự lo lắng của các đối tác kinh doanh và nhà đầu tư ở nước ngoài có thể lan rộng hơn, vì vậy doanh nghiệp thuộc các ngành này được cho là đang gặp khó khăn hơn trong việc đưa ra các biện pháp đối phó.

Moody's, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế, đưa ra phân tích rằng xung đột chính trị kéo dài có thể gây tiêu cực cho tín dụng. Ngoài ra, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các dự luật hỗ trợ khác nhau mà ngành yêu cầu khẩn cấp sẽ không được Quốc hội xử lý và việc công bố các biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh hoặc các biện pháp hỗ trợ khác nhau dự kiến ​​​​sẽ lần lượt bị hoãn lại trong bối cảnh triển vọng của ngành ngày một trì trệ hơn.

Cuộc tổng đình công của liên đoàn lao động cũng góp phần làm sâu sắc thêm nỗi lo của các tập đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (KCTU) tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc tổng đình công vô thời hạn để phản đối tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon. Do có nhiều ngành công nghiệp chính như ô tô, hàng không, thép, hóa chất và đóng tàu tham gia nên các công ty lo ngại về tình trạng gián đoạn sản xuất.

KCTU tuyên bố, "Chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc tổng đình công vô thời hạn cho đến khi chính quyền Yoon Suk-yeol từ chức. Chúng tôi sẽ tiến hành hành động khẩn cấp trên toàn quốc để đạt được cải cách xã hội lớn và hiện thực hóa chủ quyền nhân dân".

Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (FKTU) cũng kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức.

Ngay cả ở những công ty đã kết thúc đàm phán lương tập thể, các cuộc đình công bất ngờ, không được thông báo trước cũng xảy ra do hậu quả của thiết quân luật.

Một quan chức ngành ô tô cho biết: "Ngành công nghiệp ô tô, bao gồm Hyundai Motor Company và Kia Motors, đã kết thúc các cuộc đàm phán lương tập thể trong năm nay và đang đẩy nhanh sản xuất. Tuy nhiên do sự cố thiết quân luật, hiện chúng tôi đang phải đối mặt với nỗi lo là công đoàn sẽ đình công".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기