Kinh tế Chính trị

Phản ứng của DN Hàn Quốc tại Việt Nam sau kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:27 04-07-2025
"Mong đợi mức thuế 10% nhưng dù sao đã tránh được trường hợp xấu nhất" "Tuy gánh nặng có tăng lên nhưng đã loại bỏ được sự bất ổn"
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế chính thức đối với Việt Nam (20% cho mọi hàng hóa đưa vào nước Mỹ và 40% cho hàng hóa chuyển tiếp từ nước thứ ba qua Việt Nam), nhiều công ty Hàn Quốc có cơ sở sản xuất tại Việt Nam cho biết điều này chắc chắn sẽ kéo giảm lợi nhuận của công ty.

Tuy nhiên, cũng có các công ty phản ứng tích cực, cho biết mức thuế chính thức thấp hơn đáng kể so với mức 46% ban đầu mà Mỹ công bố và thỏa thuận thương mại được đưa ra cũng xóa bỏ những sự không chắc chắn xung quanh thuế quan giữa 2 nước.

 
ẢnhSamsung Electronics
[Ảnh=Samsung Electronics]
Theo Reuters vào ngày 2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã viết trên trang mạng xã hội Truth Social: "Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng tôi vừa đạt được một Thỏa thuận Thương mại với Việt Nam, sau khi trao đổi với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đáng kính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây sẽ là một thỏa thuận tuyệt vời cho sự hợp tác giữa hai nước chúng ta".

Mỹ quyết định áp dụng mức thuế 20% đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu vào nước này; đồng thời sẽ áp dụng mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển (của nước thứ 3) thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã áp dụng mức thuế cơ bản là 10% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên kể từ tháng 4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại lớn, nói rằng ông sẽ áp dụng mức thuế 46% đối với Việt Nam.

Theo đó, mức thuế chính thức lần này tuy thấp hơn thuế đối ứng ban đầu (46%) nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức thuế cơ bản trước đó (10%).

Khi mức thuế quan đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng, các công ty Hàn Quốc có cơ sở sản xuất tại Việt Nam nếu không phản ánh thuế quan vào giá bán sản phẩm thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi vấn đề sụt giảm lợi nhuận.

Samsung Electronics sản xuất hầu hết điện thoại thông minh xuất khẩu sang Mỹ và các thiết bị gia dụng bao gồm TV tại Việt Nam. Các công ty liên kết điện tử của công ty, bao gồm Samsung Electro-Mechanics và Samsung Display, cũng có nhà máy tại Việt Nam.

Các công ty liên kết của Tập đoàn LG, bao gồm LG Electronics, LG Display và LG Innotek, cũng sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.

Kumho Tire cũng sản xuất lốp xe (cho các loại xe thành phẩm được sản xuất tại Mỹ) tại nhà máy ở Việt Nam.

HS Hyosung có các công ty liên kết như Hyosung TNC( sản xuất dệt may) và Hyosung TNS (sản xuất máy ATM), tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo và giày dép chẳng hạn như Hansae Industry cũng đặt cơ sở sản xuất chính tại Việt Nam.

Theo tổng hợp của báo chí Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc có cơ sở tại Việt Nam nhìn chung nhận định rằng (mức thuế quan 20%) là tình huống "trong cái rủi có cái may". Mặc dù áp lực tăng giá chắc chắn sẽ tăng lên khi thuế suất tăng so với trước đây, nhưng các doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhõm vì mức thuế đã giảm đáng kể so với mức 46% mà Mỹ đã công bố trước đó.

Quan chức của một công ty xuất khẩu lớn yêu cầu giấu tên cho biết, "Nếu mức thuế suất 46% trở thành hiện thực, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam. Mức thuế 20% thấp hơn mức thuế áp dụng cho Trung Quốc (30%), cũng như Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác, vì vậy hiện tại sẽ chưa có tác động đáng kể nào đến cơ cấu sản xuất và xuất khẩu".

Quan chức này cho biết thêm: "Tuy nhiên, quyết định áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa trung chuyển là một mối quan ngại. Vì các sản phẩm điện tử, bao gồm cả điện thoại thông minh, được nhập khẩu từ Hàn Quốc và lắp ráp tại Việt Nam, chúng ta sẽ phải chờ xem liệu các mặt hàng này có bị đưa vào danh sách 'hàng hóa trung chuyển' hay không".

Một quan chức của HS Hyosung cho biết: "Chúng tôi đánh giá tích cực việc Mỹ giảm thuế từ 46% xuống 20%, nhưng so với mức thuế trước đó là 10%, thì vẫn còn khá cao. Vì vậy, có lẽ chúng tôi sẽ cần đa dạng hóa xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác nhau."

Một quan chức của Samsung Electronics chia sẻ: "Đây là mức tăng 10 điểm phần trăm so với mức thuế 10% được áp dụng trước khi chính quyền Donald Trump lên nắm quyền. Tuy con số này có cao hơn trước, nhưng thật may là nó đã không tăng lên tới 46%".

Cũng có nhiều phản hồi hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, khi nhờ đó xóa bỏ được tình trạng không chắc chắn xung quanh thuế quan.

Quan chức của một công ty lớn cho biết: "Mức thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam đã giảm đáng kể so với thông báo trước đó, vì vậy chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán và hợp đồng trong tương lai với các đối tác kinh doanh tại Mỹ sẽ diễn ra suôn sẻ hơn".

Chẳng hạn như POSCO đang kỳ vọng xuất khẩu từ các ngành công nghiệp thượng nguồn của mình sang Mỹ sẽ tăng.

POSCO đang vận hành một nhà máy thép cây (thép thanh vằn) và sản phẩm cán nguội tại Việt Nam, nhưng không xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Một quan chức của POSCO cho biết: "Nếu mức thuế thấp hơn mức đã công bố trước đó và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng lên, điều này sẽ có tác động tích cực đến việc phục hồi các ngành công nghiệp thượng nguồn".

Ko Tae-yeon, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và do người Hàn Quốc sở hữu tại miền Bắc Việt Nam, đã trả lời hãng tin Yonhap News và nhấn mạnh rằng bên cạnh mức thuế quan với Việt Nam, kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ với Ấn Độ và Mexico cũng vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Ko cho biết: "Việc Mỹ kết thúc đàm phán với Việt Nam trước tiên được coi là 'dấu hiệu cho thấy họ có ý định hòa thuận với Việt Nam'. Do đó, có nhiều ý kiến tại địa phương dự đoán rằng mức thuế quan của Mỹ đối với các quốc gia khác sẽ cao hơn một chút so với Việt Nam. Nếu điều này là sự thật thì sẽ mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh rõ ràng".

Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng nếu thuế quan cơ bản được đặt ở mức 20% và thuế bổ sung cho các mặt hàng riêng lẻ như chất bán dẫn được cộng thêm vào mức này, thì các mặt hàng sản xuất ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm CNTT như điện thoại thông minh, giống như đã áp thuế 25% đối với ô tô và 50% với thép và nhôm.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기