VIỆT NAM

​Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh mở rộng quy mô

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)09:49 04-01-2019

[Ảnh= Phóng viên 문은주, Kinh tế AJU]


Tp. Hồ Chí Minh (TTXVN 1/1)

Các chỉ tiêu ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn cùng kỳ và đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, với quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố ngày càng mở rộng. Theo đó, doanh nghiệp có sự gia tăng về sản lượng, nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả góp phần làm gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố chiếm khoảng 45% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước.

*Sản phẩm chủ lực tăng trưởng tích cực

Thống kê tỷ lệ giữa tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) so với tăng trưởng về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 ước đạt 1% cho thấy, ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tuy còn mang tính gia công nhưng đang có xu hướng phát triển theo chiều sâu, sản xuất tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tạo ra lượng lớn giá trị mới tăng thêm. Trong khi đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố tăng gấp 1,13 lần mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, IIP năm 2018 ước tăng 8,15% so với cùng kỳ năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao (tăng 8% - 8,5%) và cao hơn mức tăng của năm trước (năm 2017 tăng 7,9%). Trong số đó, đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn thành phố chủ yếu đến từ bốn ngành công nghiệp trọng yếu (chiếm tỷ trọng 62,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành), có đóng góp rất tích cực của nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực (chiếm 54,74% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành).

Hiện nay, ngành hóa chất - cao su - nhựa có 4.945 cơ sở sản xuất, với khoảng 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Các doanh nghiệp cao su - nhựa có động lực sản xuất đến từ thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng 8,6%/năm, cao su tăng 11,05%/năm.

Tương tự, ngành sản xuất hàng điện tử do thị trường tiêu thụ ổn định, nên một số doanh nghiệp trong ngành đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Còn đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tập trung các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã ngày càng chủ động về nguyên liệu, giảm dần phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý của ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh năm 2018 là ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, chiếm tỷ trọng 19,15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Chỉ số IIP năm 2018 của ngành này ước tăng 7,36%, cao hơn mức tăng năm 2017 là 3,89%; trong đó, hai nhóm sản phẩm chủ lực là thực phẩm chế biến ước tăng 8,91%; đồ uống ước tăng 4,67%.

Nhờ nắm bắt được tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành, các doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, đã có sự chuyển đổi đầu tư sản xuất và thị trường theo hướng đầu tư phát triển thị trường trong nước. Theo một số doanh nghiệp, thực phẩm và uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt, với khoảng 35% mức chi tiêu, nên đây là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cũng như đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ đã khiến các sản phẩm ngành công nghiệp, nhất là bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố mạnh dạn chuyển đổi tương ứng, sản phẩm ngày càng tinh tế, nhỏ gọn, giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, tạo động lực giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất cũng như mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Điển hình, trong ngành dệt may có nhiều doanh nghiệp được đánh giá cao như: Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May thêu giày An Phước... Còn ngành sản xuất hàng điện tử thì Chương trình phát triển vi mạch của thành phố đã thu hút các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố như: Intel, Samsung, Nidec, Microchip… bước đầu tạo nên những nét chính của hệ sinh thái vi mạch, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.

*Xuất khẩu chững lại

Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017, nếu không tính dầu thô, kim ngạch ước đạt 36,1 tỷ USD, tăng 11,1%. Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng 75,8%, kim ngạch ước đạt 27,33 tỷ USD, tăng 7,1%.

Nhìn chung các mặt hàng trong nhóm đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên mức tăng lại thấp hơn so mức tăng cùng kỳ năm 2017. Đơn cử, nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử có tốc độ tăng trưởng 17,6% và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là tăng 29,6%. Hay kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ tăng 4,07%, đây cũng là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Lý giải nguyên nhân, dẫn đến tình trạng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2018 có tín hiệu chững lại và đặt mức tăng trưởng không như kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng do tác động của chính sách bảo hộ thương mại Mỹ và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung. Thêm vào đó, một phần do thiếu hụt lao động và chi phí mặt bằng đắt đỏ, nên nhiều doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang khu vực miền Trung và miền Bắc. Các khu vực này, có lợi thế là giá thuê đất tại các khu công nghiệp thấp hơn 1/2 hoặc 1/3 so với giá thuê mặt bằng tại Tp. Hồ Chí Minh và đáp ứng được yêu cầu về nguồn lao động dồi dào, cũng như chi phí lao động cũng thấp hơn nhiều.

Theo ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại LIDOVIT, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, cơ quan quản lý thành phố, trong đó có ngành công thương cần kiểm soát, chọn lọc các loại hình đầu tư, ưu tiên các sản phẩm công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường... Song song đó, triển khai xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thị trường phát triển.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí - Thương mại Nhật Long cho hay, đối với công nghiệp hỗ trợ, nhất là ở lĩnh vực cơ khí chế tạo cần tạo ra xu hướng phân khúc, liên kết, năng suất lao động và cạnh tranh cao. Từ đó, mới kiến tạo được thị trường, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng đơn vị sản xuất kinh doanh nội địa và tiến đến thúc đẩy xuất khẩu.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án này không nằm ngoài mục tiêu hướng đến dự báo cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của thành phố trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế; xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của thành phố và đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn hạn - trung hạn - dài hạn để phát triển xuất khẩu bền vững.

Trong năm 2019, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu; vận dụng phù hợp các quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, cũng như các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Ngoài ra, tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp.

Đồng thời, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cần tiếp tục tham mưu giải pháp phát triển hạ tầng cho ngành công thương thành phố, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đầu tư giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước; chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam./.

Mỹ Phương (TTXVN)

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기