Theo TTXVN, nhằm đưa ra đánh giá, nhận định chuyên sâu về triển vọng phát triển kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019 đến nhà đầu tư, chiều 7/5, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương - VietinBank Securities phối hợp cùng Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2019: Góc nhìn vĩ mô và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp”
Theo VietinBank Securities, đầu năm 2019, thị trường đón nhận dòng vốn ngoại quay trở lại đã giúp cho VN - Index tăng trưởng khá tích cực. Tuy vậy, dòng tiền này không bền vững, ổn định và có thể rút ra bất kì lúc nào trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận của các ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản… chưa thực sự khả quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tình hình thế giới có nhiều biến động trong quý I/2019. Dù kinh tế thế giới vẫn được duy trì ở mức khá, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn do những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa 2 quốc gia này.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 1 ở mức 6,79%, phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại.
Theo ông Thành, giá năng lượng tăng cùng việc ban hành thuế bảo vệ môi trường khiến lạm phát có xu hướng tăng, đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía Ngân hàng Nhà nước đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup nhận định, kết quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết nói chung có dấu hiệu giảm sút trong quý I/2019, đặc biệt nhóm cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ; trong đó có nhóm ngành bất động sản.
Các chỉ số lợi nhuận và sức khỏe doanh nghiệp bất động sản đều đi xuống trong bối cảnh chính sách siết tín dụng cho ngành này; các chính sách liên quan đến giá thuê đất; chu kỳ sản lượng bán hàng của ngành bất động sản.
Tuy nhiên, ông Thuân cho rằng, riêng ngành ngân hàng thì kết quả quý I/2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng (lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng tăng 12%), dù tăng trưởng tín dụng không cao như các kỳ trước. Trong khi nguồn thu chủ yếu từ tăng trưởng lãi cho vay và dịch vụ trong khi lãi đầu tư chứng khoán giảm mạnh.
Theo vị chuyên gia này, triển vọng lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp và theo dự báo của các công ty chứng khoán thì vẫn có tín hiệu tốt với dự kiến tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) khoảng 14,5% trong năm 2019 và chủ yếu đến từ các doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp lớn.
Theo dữ liệu lịch sử, việc tăng trưởng hay sụt giảm lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp về cơ bản trong ngắn hạn (hàng quý) không ảnh hưởng đến chỉ số chứng khoán. Do đó, việc đánh giá và theo dõi các yếu tố khác cũng như duy trì một chiến lược đầu tư và lựa chọn nhóm cổ phiếu phù hợp sẽ quyết định đến hiệu quả đầu tư, ông Thuân khuyến nghị.
Tại hội thảo, ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Phân tích Vietinbank Securities cho rằng, trong quý I/2019 thị trường tăng trưởng khá tích cực, có tới 15/18 ngành tăng điểm, trong khi đó dòng tiền đổ mạnh vào thị trường thông qua kênh các quỹ ETF (quỹ đầu tư chỉ số).
Ông Trung cũng đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ đạt 7,51% trong năm 2019. Thời điểm cuối năm 2019 chỉ số VN – Index được dự báo đạt khoảng 920 – 950 dựa trên mô hình kết hợp dự báo lãi suất, lợi nhuận và so sánh P/E (Hệ số giá / Lợi nhuận 1 cổ phiếu)./. Văn Giáp