Kinh tế Chính trị

Mức độ phụ thuộc vào thương mại nội ngành của Hàn Quốc với Việt Nam·Trung Quốc gia tăng

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)09:42 16-12-2020
Phụ thuộc vào Việt Nam 16.8%↑ · Trung Quốc 8.9%↑ Cần các biện pháp ổn định cung ứng
Gần đây, khi mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào 'thương mại nội ngành công nghiệp' với các nước đang phát triển ở châu Á như Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng, có ý kiến cho rằng cần phải có một chiến lược để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thương mại nội ngành là việc xuất nhập khẩu đồng thời các hàng hóa tương tự trong cùng một nhóm ngành công nghiệp. Ví dụ, Hàn Quốc xuất khẩu và nhập khẩu chất bán dẫn cùng lúc sang Trung Quốc.
 

Sự biến đổi trong thương mại nội ngành với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. [Ảnh=Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc]

Theo báo cáo 'Tình hình thương mại nội ngành của Hàn Quốc và chiến lược quản lý chuỗi cung ứng' do Viện Thương mại Quốc tế và Thương mại thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc công bố ngày 15, sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào thương mại nội ngành hiện nay là 42,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến năm 2019, tăng 10,9% so với mức 31,8% vào năm 2008. Đây là kết quả của việc mở rộng phân công lao động giữa các nước khi các công ty xuất khẩu của Hàn Quốc đã hình thành các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và hoạt động buôn bán hàng hóa trung gian theo đó cũng ngày càng tăng.

Khi thương mại nội ngành mở rộng, các cú sốc cung cầu từ thị trường nước ngoài có nhiều khả năng lan sang thị trường trong nước, và khả năng đồng bộ hóa thị trường trong nước theo dòng biến động kinh tế nước ngoài tăng lên, do đó, quản lý chuỗi cung ứng trở thành một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Trong thương mại giữa Hàn Quốc và bốn nước gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam, phụ thuộc vào thương mại nội ngành với Trung Quốc là 39,6%, Nhật Bản là 32,8%, Việt Nam là 25,1% và Hoa Kỳ là 20,7%.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến 2019 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mức độ phụ thuộc vào thương mại nội ngành với Việt Nam và Trung Quốc tăng lần lượt là 16,8 điểm phần trăm và 8,9 điểm phần trăm. Mặt khác, sự phụ thuộc vào thương mại với các nước tiên tiến như Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn không thay đổi.

Thương mại nội ngành với Việt Nam và Trung Quốc đã mở rộng đáng kể, chủ yếu trong ngành viễn thông. Đặc biệt, thương mại nội ngành trong lĩnh vực bán dẫn với Trung Quốc vô cùng sôi động, với tỷ trọng đã tăng từ 48,3% năm 2012 lên 62,0% vào năm 2019.

Với Việt Nam, thương mại nội ngành đối với thiết bị gia dụng (4,2% → 63,9%) và thiết bị truyền thông không dây (20,6% → 64,6%) cũng tăng đáng kể.

Một quan chức của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết: “Trong thương mại nội ngành với Việt Nam và Trung Quốc, xu hướng nhập khẩu hàng giá rẻ với đơn giá thấp và xuất khẩu hàng giá cao sang cả hai nước ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự giám sát chặt chẽ đối với các ngành phụ thuộc nhiều vào thương mại nội ngành và chuẩn bị các chiến lược khác nhau để ổn định chuỗi cung ứng."

 

[Ảnh=Internet]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기