Đời sống Xã hội

Hàn Quốc – ASEAN hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)00:10 07-12-2018

[Ảnh=Cheongwadae] Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam chiều ngày 23 tháng 3 năm 2018.


제목: Hàn Quốc – ASEAN hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020

Hàn Quốc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận sau 1 năm thực hiện chính sách Phương Nam mới của chính phủ Hàn Quốc và 3 năm sau khi ký kết FTA Hàn Quốc – Việt Nam. Trong đó, luôn xem Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 200 tỷ USD giữa Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020.

Ngày 9 tháng 11 năm ngoái, trong chuyến thăm và làm việc tại Indonesia, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lần đầu tiên công bố kế hoạch thực hiện chính sách Phương Nam mới của chính phủ Hàn Quốc. Đây là chính sách nhằm mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia ASEAN, từ đó giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc, đặc biệt là trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện nay. Đến nay, chính sách phương Nam mới đã trải qua một năm thực hiện, trong đó Việt Nam đóng vai trò là quốc gia cầu nối trọng điểm của chính sách này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã mời các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự các hội nghị cấp cao đặc biệt mà Hàn Quốc dự định đăng cai tổ chức trong năm 2019, để kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ với ASEAN. Tổng thống Moon Jae-in đưa ra lời mời này tại Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc-ASEAN diễn ra tại Singapore, tái khẳng định cam kết đẩy mạnh hơn nữa các mối quan hệ với Đông Nam Á.

Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN và Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc-Mekong đầu tiên vào năm tới. Tôi mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới Hàn Quốc. Các mối quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN sẽ được nâng lên một tầm cao mới."

Hàn Quốc khẳng định ASEAN là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc ở khu vực phía Nam, cả về chiến lược, kinh tế cũng như có sự gắn kết lâu đời về văn hoá giữa người dân hai bên. Hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc đang được đẩy mạnh toàn diện trên cả 3 trụ cột chính trị an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân, phù hợp với mong muốn của Tổng thống Hàn Quốc về xây dựng một cộng đồng gắn kết giữa hai bên dựa trên 3 yếu tố hoà bình, thịnh vượng và người dân.

◆ Hàn Quốc – ASEAN hướng mục tiêu kim ngạch thương mại 200 tỷ USD

Chính sách Phương Nam mới của chính phủ Moon Jae-in có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước ASEAN, khu vực được xem là một trong những nơi có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Chính phủ Hàn Quốc đề ra 3 chiến lược kinh tế chủ đạo bao gồm: Chính sách Phương Bắc mới, Chính sách Phương Nam mới, Chính sách kinh tế mới trên bán đảo Triều Tiên; trong đó chính sách Phương Nam mới được đánh giá là "chắp thêm cánh" cho sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in quyết tâm trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông sẽ đến thăm tổng cộng 10 quốc gia thuộc ASEAN, trong đó tính đến nay Ông đã có các chuyến thăm chính thức đến 4 nước là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Singapore.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết những nỗ lực trong thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể là kim ngạch thương mại song phương Hàn Quốc - ASEAN cho đến nay đã đạt 160 tỷ USD. Trong thời gian tới Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng trao đổi thương mại và giao lưu hợp tác với ASEAN, theo đó tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2020.

Cùng với đó, kỳ vọng lượng du khách song phương Hàn Quốc – ASEAN sẽ đạt được con số 10 triệu lượt trong năm nay và đạt 15 triệu lượt khách vào năm 2020. Và số lượng sinh viên từ các nước ASEAN cũng sẽ tăng lên 32.500 người trong năm nay, gấp 4 lần con số thống kê năm 2014.

Tổng số sinh viên nước ngoài đến Hàn Quốc tăng 1,7 lần trong vòng 5 năm qua, trong đó sự góp mặt của các sinh viên đến từ các quốc gia ASEAN chiếm tỷ trọng đáng kể. Đây được xem là nhóm người đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của khu vực ASEAN trong tương lai.

Ngoài ra, Chính sách Phương Nam mới có tác động đáng kể đến quá trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Sự hỗ trợ của các quốc gia ASEAN cũng tạo nên sức mạnh tổng hợp có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại sự đồng cảm quốc tế đối với hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Tại Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc-ASEAN diễn ra tại Singapore, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh năm 2019 là năm rất có ý nghĩa đối với Hàn Quốc vì năm tới không chỉ đánh dấu 30 năm ngày Hàn Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ mà còn là dịp kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh Hàn Quốc.

Ông tái khẳng định "Chính sách hướng Nam mới" của Hàn Quốc thể hiện cam kết cùng các nước thành viên ASEAN tìm kiếm sự thịnh vượng chung, và chính phủ của ông trong năm qua đã nỗ lực đặt nền móng cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai bên.

◆ Hợp tác kinh tế Hàn – Việt sau 3 năm thực hiện FTA, đối tác bền vững

Trong chính sách Phương Nam mới do chính phủ Hàn Quốc thực hiện nhằm mở rộng hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc với các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam á, Việt Nam là một trong những từ khóa quan trọng nhất. Đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã có 3 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do, Việt Nam trở thành một trong những đối tác chiến lược của Hàn Quốc trong số các quốc gia ASEAN.

Kể từ khi chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã tiến hành hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc.

Quy mô thương mại của hai nước trong vòng 25 năm qua đã tăng 128 lần, đồng thời trong 10 năm gần đây, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng 4,3 lần. Hiện có hơn 7000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại của hai nước đã tăng từ 5000 USD năm 1992 lên đến 64 tỷ USD vào năm ngoái. Tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng từ 1,83 tỷ USD trong năm 2008 lên đến 7,82 tỷ USD năm ngoái. Ước tính năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ lên đến 100 tỷ USD. Đây sẽ là con số chiếm một nửa tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.

Để đạt được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng FTA Việt – Hàn, tăng cường cung cấp thông tin về quy định sản phẩm của FTA Việt – Hàn thông qua cơ sở dữ liệu, thiết lập mạng lưới kinh doanh nhằm trao đổi các thông tin và các trường hợp tận dụng FTA hiệu quả, lắng nghe nhu cầu của chính phủ Việt Nam về việc tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tính minh bạch của xuất nhập khẩu trong thương mại Việt – Hàn, cũng như tăng cường sự minh bạch trong việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn xuất nhập khẩu của mỗi bên.

◆ Tăng cường hợp tác Hàn Quốc – ASEAN, chặng đường 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – ASEAN lần thứ 3 sẽ diễn ra trong năm sau, là cơ hội để thúc đẩy triển khai Chính sách Phương Nam mới của chính phủ Hàn Quốc. Hội nghị này lần đầu tiên được tổ chức ở Đảo Jeju nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao, và hội nghị lần 2 diễn ra năm 2014 đã được tổ chức ở thành phố Busan. Hội nghị Hàn Quốc – ASEAN lần thứ 3 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được xem là cơ hội cho chính phủ Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại.

Hàn Quốc sẽ thúc đẩy giới thiệu các dự án đầy tiềm năng tới các nước ASEAN nhằm ứng phó với những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cũng như thúc đẩy yếu tố “Thịnh vượng” trong chính sách Phương Nam mới.

Theo giáo sư Park Beon-soon trường Đại học Korea, cần tăng cường các dự án công nghệ cao và đào tạo các doanh nghiệp bản địa, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tạo thế cân bằng trong đầu tư và thương mại đối với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á…, từ đó có những phương án cụ thể để xúc tiến các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra, sự đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng cần chú trọng đến việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như phát triển các dự án hỗ trợ. Việt Nam được xem là cửa ngõ tiến vào ASEAN cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Với chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa.

Ông Lee Jae-young, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế Đối ngoại Hàn Quốc cho biết: “Để đạt được mục tiêu của chính sách Phương Nam mới, cần tăng cường và nhấn mạnh giá trị thực của việc hợp tác với Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN. Bên cạnh đó, vai trò của Việt Nam và các nước ASEAN trong quá trình xây dựng thể chế hòa bình trên Bán đảo Hàn cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.”.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기