Kinh tế Chính trị

Một năm thực hiện Chính sách phương Nam mới... Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam

Thanh Phương (thanhphuongdlu@ajunews.com)17:35 20-11-2018

[Ảnh = Yonhap News]


Đã một năm kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in công bố “Chính sách phương Nam mới” vào tháng 11 năm ngoái khi ông đến thăm các nước Đông Nam Á. Mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức tại Singapore vào ngày 14 tháng 11, tổng thống Moon cho biết Hàn Quốc sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN, và Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mekong vào năm sau.

Chính sách phương Nam mới của chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích gắn kết xứ kim chi với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như mở rộng ảnh hưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tại khu vực năng động này trong bối cảnh Seoul tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống như Trung Quốc và Mỹ. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác với ASEAN, nâng tầm mối quan hệ lên tương đương với bốn cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Đặc biệt, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định luôn coi Việt Nam là trụ cột trong “Chính sách phương Nam mới” của mình. Tháng ba đầu năm nay, Tổng thống Moon Jae-in đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, khi đó ông đã có cuộc Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam – Hàn Quốc với Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất đưa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương hai nước lên 100 tỷ USD, điều này có thể thấy việc kết nối thương mại song phương giữa Hàn Quốc với Việt Nam không hề thua kém thương mại với Mỹ.

Cũng tại hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 20 vào tháng 11 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ủng hộ "Chính sách phương Nam mới" của Hàn Quốc tăng cường quan hệ với ASEAN.

Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và ASEAN có nhu cầu như thương mại điện tử, công nghệ xanh, khoa học đổi mới, đô thị hóa thông minh; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chính trị-an ninh để tương xứng với những phát triển tích cực đạt được trong hai trụ cột kinh tế và văn hóa-xã hội; đồng thời tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu thể thao, tổ chức thi tìm hiểu ASEAN... trong giới trẻ để tạo sức lan tỏa trong người dân.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đạt 48,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 13,45 tỷ USD, tăng 26,0%; kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 35,07 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 21,62%, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2017…

Về đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến ngày 20/6/2018, Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký của quốc gia này là 61,67 tỷ USD, chiếm 18,6%. Kế đó là Nhật Bản (55,45 tỷ USD), Singapore và Đài Loan. Tính đến ngày 20/10/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 3/2018, nhóm quỹ đầu tư thuộc Công ty Quản lý quỹ Korea Invesment Management (KIM) đã trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Bản Việt với tỷ lệ sở hữu 5,08%. Thương vụ đầu tư này đánh dấu sự có mặt của KIM tại Việt Nam.

Theo thống kê đến hiện nay, đã có hơn 5 ngàn doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào Việt Nam đa dạng trong nhiều lĩnh vực sản xuất, phân phối và tài chính. Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm cách mở rộng kinh doanh tại quốc gia trụ cột trong Chính sách phương Nam mới của chính phủ Hàn Quốc.

Mới đây, Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won của Hàn Quốc cũng đã đến thăm Việt Nam và gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 10 và 11 vừa qua.

Tại buổi gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam vào ngày 30 tháng 10, Phó chủ tịch Lee Jae-yong cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư kinh doanh vào rất nhiều quốc gia, tuy nhiên không có nhiều quốc gia chịu lắng nghe và tích cực hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp như Việt Nam”, ông nói “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn vào Việt Nam cũng như mở rộng phạm vi và hoạt động kinh doanh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tập đoàn Samsung tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động tại Việt Nam, không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam mà hướng tới cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam.

Được thành lập năm 2008 tại Bắc Ninh và năm 2013 tại Thái Nguyên, Samsung Electronics là nhà máy sản xuất điện thoại di động có quy mô lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Hàng năm, nhà máy này sản xuất 150 triệu chiếc điện thoại thông minh, chiếm một nửa số lượng điện thoại được bán ra hàng năm của hãng. Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam, doanh nghiệp này cũng cho biết một nhà máy mới có khả năng sớm được hình thành tại Việt Nam. Nhà máy thứ ba này dự kiến có công suất 60-120 triệu điện thoại/năm.

Chỉ 10 ngày sau khi Phó chủ tịch tập đoàn Samsung đến Việt Nam. Ngày 8 tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn SK Hàn Quốc Chey Tae-won cũng đã buổi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ Việt Nam. Không giống như Samsung, có tổ hợp sản xuất quy mô lớn, SK quan tâm đến việc tham gia tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, giải quyết vấn đề môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Tập đoàn SK cho biết “Chúng tôi đang thúc đẩy hợp tác với nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong đó bắt đầu với việc đầu tư vào Masan Group. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các dự án mới tại Việt Nam, cũng như quan tâm đến các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam cổ phần hóa, kể các các doanh nghiệp đã và sẽ cổ phần hóa; quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, có các hoạt động xã hội và đầu tư trong lĩnh vực này”.

Tập đoàn SK hiện nay đang muốn đầu tư vào nhiều tập đoàn tư nhân tại Việt Nam, trong đó tích cực đóng góp đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn SK với tiềm lực tài chính, công nghệ, thương hiệu, cùng thị trường rộng đang tham gia với tư cách là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như LG, Hyundai, Lotte và Hyosung cũng đang tích cực đầu tư vào Việt Nam.

Hyundai đã đầu tư 8,5 triệu USD vào năm ngoái để xây dựng nhà máy lắp ráp thứ hai tại Việt Nam. Hyundai có kế hoạch tung ra thị trường Đông Nam Á các ô tô sản xuất từ Việt Nam.

Ngày 28 tháng 8, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Hyosung - Hyosung Chemical Corporation tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án được thực hiện trên diện tích gần 61 ha với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Dự án gồm 2 hạng mục: xây dựng kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) với sức chứa 240.000 tấn, nhà máy sản xuất Polypropylene...

Công ty Hanwha Life Việt Nam vừa được Bộ Tài chính phê chuẩn về việc tăng vốn điều lệ từ hơn 1.891 tỷ đồng lên hơn 4.891 tỷ đồng và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có số vốn điều lệ lớn thứ ba tại Việt Nam. Hanwha Life Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 120 điểm phục vụ khách hàng cùng 40.000 tư vấn tài chính.

Tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng theo đuổi các dự án phát triển quy mô lớn tại Việt Nam. Trong đó, việc triển khai siêu Dự án Eco Smart City Thủ Thiêm là một trong những dự án lớn nhất Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư lên tới 20.100 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD). Dự án sẽ được đầu tư xây dựng trên khu đất có tổng diện tích khoảng 7,45 ha; trong đó diện tích đất phát triển dự án khoảng 5,012 ha để xây dựng các công trình thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 505.000 m2.

Một doanh nhân Hàn Quốc chia sẻ “Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong Chính sách phương Nam của chính phủ Hàn Quốc bởi nhiều lý do, trong đó có tình hình chính trị ổn định, kinh tế phát triển với tốc độ cao”, ngoài ra “Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong giai đoạn mà cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang và ảnh hưởng khốc liệt”

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기