Đời sống Xã hội

Khủng hoảng rác thải nhựa, Hàn Quốc nỗ lực giảm lượng nước uống đóng chai

Thanh Phương (thanhphuongdlu@ajunews.com)22:13 19-03-2019

[Ảnh = 문화관광뉴스]


Bộ Môi trường và các chính quyền địa phương tại Hàn Quốc đang nỗ lực giảm hoặc thậm chí ngưng sản xuất đối với các sản phẩm nước uống đóng chai, nhằm góp phần giảm lượng rác thải nhựa đang gây ra những tác độc tiêu cực đối với môi trường như hiện nay.

Thủ đô Seoul với tuyên bố hướng đến trở thành ‘plastic free city’ (tạm dịch: thành phố không nhựa) cũng đang lên kế hoạch giảm số lượng sản xuất nước đóng chai Arisu từ 2,5 triệu chai của năm ngoái xuống còn 50 ngàn chai trong năm nay. Bên cạnh đó, Seoul sẽ chỉ dự trữ loại nước uống đóng chai được dùng trong trường hợp khẩn cấp như cúp nước, ngưng hỗ trợ nước uống đóng chai cho các hoạt động quảng bá hay sự kiện.

Thành phố Daegu cũng tiến hành giảm khoảng 15% số lượng nước uống đóng chai Dalgubeol Malgeunmul, từ 2,295 triệu chai của năm ngoái xuống còn 1,97 triệu chai trong năm nay. Địa phương này cũng đang nỗ lực giảm trọng lượng của các chai nhựa. Trọng lượng trung bình của một chai nhựa trước đây là khoảng 23g, hiện nay đã giảm xuống còn 14,2g. Nhãn dán trên các chai nước cũng được thay đổi từ loại dán vào thân chai thành loại không dán.

Tương tự, các thành phố lớn khác tại Hàn Quốc như Daejeon, Kwangju, Busan cũng đang nỗ lực giảm sản lượng nước uống đóng chai được sản xuất hàng năm tại các địa phương này. Cụ thể, thành phố Daejeon sẽ giảm sản lượng nước uống đóng chai It’s 水 từ 1,5 triệu chai xuống còn 1,3 triệu chai. Thành phố Busan thực hiện hạn chế sử dụng nước uống đóng chai bằng cách ưu tiên hỗ trợ nước uống đóng chai cho các hoạt động cứu trợ, cấp cứu thay vì hỗ trợ cho các sự kiện thông thường. Thành phố Kwangju cũng lên kế hoạch giảm sản lượng nước uống đóng chai Bityeoulsoo từ 700 ngàn chai xuống còn 520 ngàn chai đến năm 2022.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기