Đời sống Xã hội

Hàn Quốc xem xét chỉ định ngày 17/8 thành ngày nghỉ lễ…Liệu có giúp đỡ phục hồi trong nước?

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)09:38 20-07-2020
Kỳ nghỉ lễ 'bất ngờ' kéo dài 3 ngày Nhằm thúc đẩy tiêu dùng bằng quỹ hỗ trợ khẩn cấp…Duy trì xu hướng hồi phục trong 'sinh hoạt phòng dịch'

Thủ tướng Chung Se Kyun [Ảnh=Yonhap News]

Nỗ lực của Thủ tướng Chung Se-kyun khi chỉ định ngày 17/8 (thứ 2) tới đây là một ngày nghỉ lễ tạm thời (임시공휴일) có thể được giải thích như là một chiến lược để giữ cho nền kinh tế Hàn Quốc hiện tại hồi phục hết mức có thể sau những tác động tiêu cực của dịch Covid19.

Nền kinh tế Hàn Quốc, đã bị suy thoái nghiêm trọng kể từ khi dịch Covid19 bùng phát đã phần nào được hồi sinh sau những chính sách như chuyển đổi từ 'giãn cách xã hội' sang 'sinh hoạt phòng dịch' và cung cấp quỹ cứu trợ thảm họa khẩn cấp bằng tiền mặt cho người dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng tình hình kinh tế tiêu dùng tại Hàn Quốc sẽ lại tiếp tục trở nên xấu đi khi quỹ khẩn cấp hết thời gian sử dụng (hạn sử dụng quỹ hỗ trợ là hết ngày 31/8) cùng với sự lây lan của dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Hơn nữa, năm nay, đã có khá nhiều ý kiến chỉ ra rằng các ngày lễ (lịch đỏ) thường xuyên bị trùng vào các ngày cuối tuần chẳng hạn như ngày tưởng niệm thương binh liệt sĩ 6/6 rơi vào thứ bảy, ngày Độc lập 15/8 cũng là thứ bảy. Do đó, có ý kiến cho rằng mùa hè năm nay không có đủ ngày nghỉ lễ và chính phủ cần phải chỉ định các ngày nghỉ tạm thời. 

Vì vậy, nếu ngày 17/8 được chỉ định là một kỳ nghỉ tạm thời theo đề xuất của Thủ tướng Chung thì người dân Hàn Quốc sẽ có một kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày từ ngày 15 (thứ bảy) cho đến hết ngày 17 (thứ hai).

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc cũng đã xem xét việc chỉ định một kỳ nghỉ 4 ngày kết hợp với Ngày lễ thiếu nhi (5/5) bằng cách chỉ định ngày 4/5 (thứ hai) như một ngày nghỉ lễ tạm thời, nhưng do đó là khoảng thời gian dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp và lo ngại về lây nhiễm nhóm nên chính phủ đã bác bỏ kế hoạch này. Ngoài ra, vào năm 2015 chính phủ Hàn Quốc cũng đã từng chỉ định ngày 14/8 là một ngày nghỉ lễ tạm thời nhằm khôi phục suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) gây ra. Vào năm 2016, ngày tiếp theo của Ngày lễ thiếu nhi, ngày 6/5 cũng được chỉ định là một ngày nghỉ lễ tạm thời để tạo ra một kỳ nghỉ dài bốn ngày.

Viện Kinh tế học Hyundai ước tính rằng hiệu quả kinh tế, khi chỉ định ngày nghỉ lễ tạm thời vào ngày 14/8 năm 2015 đã đạt 1,3 nghìn tỷ KRW. Trong nghiên cứu này, Viện Kinh tế Hyundai tính toán rằng số lượng người dân Hàn Quốc du lịch nước ngoài đã tăng lên trong các ngày lễ và số tiền chi trả tại nước ngoài là khoảng 700 tỷ KRW. Xem xét rằng tình hình hiện tại trong bối cảnh Covid19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm cho việc du lịch nước ngoài trở nên khó khăn thì dự kiến hiệu quả kinh tế do việc chỉ định các kỳ nghỉ tạm thời sẽ được mở rộng ở trong nội địa Hàn Quốc.

Các ngày nghỉ lễ tạm thời được chính phủ Hàn Quốc chỉ định theo thời gian tuân thủ 'Quy định về các ngày lễ của văn phòng chính phủ'. Nếu xác định rằng cần phải có một ngày nghỉ lễ tạm thời thì chính phủ sẽ đề xuất một ngày phù hợp với lý do chính đáng cho Bộ Nhân sự và Đổi mới. Yêu cầu này sẽ chính thức được áp dụng sau khi nhận được sự phê duyệt của Hội đồng Nhà nước và Tổng thống.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기