Đời sống Xã hội

Số lượng thanh niên làm việc trong ngành nhà hàng·quán bar ở Hàn Quốc tăng nhanh…Lương theo thâm niên xếp áp chót

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:54 20-11-2023
Ở Hàn Quốc, mặc dù số lượng thanh niên làm việc trong ngành nhà hàng, quán bar tăng nhiều nhất trong 10 năm qua nhưng những công việc này vẫn bị xếp ở top cuối bảng xếp hạng về mức lương tính theo thâm niên.

 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc đã đệ trình báo cáo 'Nghiên cứu phương hướng cải thiện chính sách để hình thành kỹ năng và đặc tính lựa chọn cho thị trường lao động thanh niên" lên Bộ Chiến lược và Tài chính có đề cập đến sự lựa chọn công việc có trình độ chuyên môn thấp của thanh niên, những điểm hạn chế của sự lựa chọn đó cũng như các chính sách thay thế.

Theo khảo sát việc làm khu vực của Văn phòng Thống kê Quốc gia, số thanh niên (từ 15 đến 29 tuổi) có việc làm trong nửa đầu năm ngoái (2022) là 4.018.000; tăng 352.000 người so với nửa đầu năm 2013 (3,666 triệu người), 9 năm trước.

Đặc biệt, trong cùng khoảng thời gian số lượng thanh niên làm việc trong ngành nhà hàng, quán bar tăng 219.000 người từ mức 346.000 lên 565.000. So sánh với tổng số lao động trẻ, tỷ trọng lao động trẻ trong ngành nhà hàng, quán bar cũng tăng từ 9,4% lên 14,1%, chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Một xu hướng tương tự cũng được nhìn thấy trong số liệu thống kê quản lý việc làm.

Nhìn vào xu hướng đăng ký bảo hiểm theo ngành dành cho thanh niên từ 18~34 tuổi từ năm 2018 đến 2022, mức tăng lớn nhất là phát triển phần mềm với 66.000 người trong 5 năm qua, tiếp theo là các cửa hàng đồ uống và quán cà phê (34.000 người) và nhà hàng ( 29.999 người).

Nhà nghiên cứu cho biết: "Trong 5 năm qua, số lượng việc làm trong các công việc không cố định như nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng tiện lợi đã tăng lên đáng kể trong giới trẻ. Trong trường hợp các nhà hàng và quán cà phê, có một vấn đề là có nhiều thanh niên từ 25~34 tuổi làm việc ở đó. Do đó, sự gia tăng việc làm của thanh niên trong các nhà hàng không thể được hiểu là sự gia tăng số lượng công việc bán thời gian ở trường đại học vì nó bao gồm nhiều lao động có độ tuổi lớn".

Việc làm tại các quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng thường có nhiều ở khu vực đô thị và không có yêu cầu cao nên lao động trẻ có thể ưu tiên lựa chọn để làm việc ngắn hạn, tuy nhiên sẽ có hạn chế trong việc giúp hình thành kỹ năng và phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Các nhà hàng, quán bar và ngành bán lẻ được chọn là những ngành có thời gian làm việc ngắn vì thông thường các cơ sở này sẽ ưu tiên tuyển lao động ở độ tuổi 20 và không kì vọng vào việc nhân viên sẽ làm việc liên tục cho tới sau 30 tuổi.

Do đó, cũng sẽ tương đối khó để mong đợi mức lương tăng do thời gian làm việc lâu dài. Trong trường hợp ngành nhà hàng, ngay cả đối với những người làm việc trên từ 5~10 năm, mức lương trung bình hàng tháng chỉ là 2,72 triệu won (khoảng 50,8 triệu VNĐ), thấp thứ hai sau ngành dịch vụ phúc lợi xã hội (2,25 triệu won).

Theo phân tích với đối tượng lao động từ 15~34 tuổi, ngành nhà hàng cũng là ngành có khả năng thất nghiệp cao nhất.

Các chuyên gia nghiên cứu gợi ý rằng các chính sách nên được thiết kế để khuyến khích các kỹ năng lâu dài trong giới trẻ; trong đó đề cập tới việc giảm tỷ lệ công việc bán thời gian ngắn hạn trong dự án trợ cấp việc làm, thiết lập nền tảng cung cấp thông tin về phát triển nghề nghiệp suốt đời và cải thiện hệ thống kết nối nguồn nhân lực.

Đội ngũ nghiên cứu cho biết: "Lựa chọn thị trường lao động và kế hoạch hình thành kỹ năng trong suốt cuộc đời của một người gắn liền với việc đảm bảo chi phí sinh hoạt, vì vậy nếu chúng không được điều chỉnh hợp lý về lâu dài, có thể gây ra những khó khăn lớn cho cá nhân và xã hội sau này. Chính phủ cần chú trọng hơn nữa vào việc lập kế hoạch nghề nghiệp trung và dài hạn".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기