Kinh tế Chính trị

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc xứng tầm Đối tác chiến lược toàn diện

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:59 01-07-2024
Kim ngạch thương mại 2 nước tăng 160 lần sau 31 năm Việt Nam là đối tác trọng tâm trong việc triển khai chính sách đối ngoại tại khu vực của Hàn Quốc Việt Nam là thị trường tiềm năng của DN Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng·quốc phòng Củng cố tình hữu nghị hai nước thông qua giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 6 năm 2023 ẢnhVNA
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 6 năm 2023. [Ảnh=VNA]
Quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã được xây dựng dựa trên một nền tảng vững chắc từ những mối liên hệ lịch sử hàng trăm năm trước cho đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Trong đó, việc trao đổi tiếp xúc giữa các cấp cũng như các cuộc viếng thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao liên tục được tiến hành là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của cả Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác song phương.

Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này được kỳ vọng sẽ góp phần vun đắp và củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm đầu sau khi nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện sẽ là tiền đề quan trọng để triển khai thực chất có hiệu quả các văn kiện đã được ký kết cũng như định hướng, chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo của mối quan hệ song phương.
 
Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc - trụ cột vững chắc trong quan hệ song phương

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc luôn là trụ cột vững chắc và nổi bật nhất trong mối quan hệ song phương. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, hai quốc gia đã không ngừng mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thương mại, đưa kim ngạch thương mại song phương lên những tầm cao mới.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 là khoảng 500 triệu USD, nhưng đã tăng lên gần 80 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương mức tăng khoảng 160 lần sau 31 năm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng duy trì vị trí số 1 trong năm 2023. 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), trong năm 2023, Việt Nam thu hút được 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án, có tổng vốn đăng ký 85,865 tỷ USD, lần lượt chiếm 25,1% tổng số dự án FDI và chiếm 18,3% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Lũy kế tính đến đến ngày 20 tháng 5 năm 2024, có 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc vẫn đứng đầu với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 87,2 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), xếp trên Singapore, Nhật Bản.

Trao đổi kinh tế giữa hai nước từng bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuy nhiên đã dần hồi phục sau đó và tăng trưởng tích cực trở lại trong thời gian gần đây.

Vào năm 2023, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhìn chung có giảm nhẹ, nhưng theo phân tích, điều này phần lớn là vì nhu cầu chậm lại do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Dự kiến quy mô thương mại song phương sẽ tăng trở lại vào năm 2024 khi kinh tế toàn cầu bắt đầu cải thiện.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), tính đến tháng 4 năm 2024, Hàn Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Ngoài ra, Hàn Quốc còn là nước xuất khẩu lớn thứ 3 vào Việt Nam và đứng thứ 2 trên thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc đối với Việt Nam cũng lần lượt đạt 17,84 tỷ USD và 9,33 tỷ USD tương đương mức tăng 9,9% và 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng xuất khẩu chính (chiếm 51,9% tổng kim ngạch xuất khẩu) của Hàn Quốc sang Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay là chất bán dẫn, màn hình phẳng và cảm biến, sản phẩm dầu mỏ. Trong đó, xuất khẩu chất bán dẫn đã tăng 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu 'pin và pin lưu trữ' tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lọt vào top 10 mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trong cùng thời gian các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Việt Nam vào Hàn Quốc lần lượt là thiết bị truyền thông không dây, quần áo, máy vi tính, chất bán dẫn, thiết bị điện công nghiệp. Đặc biệt trong top 10 mặt hàng Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, các mặt hàng như chất bán dẫn (75,0%), thiết bị điện công nghiệp (22,9%) và máy phân tích điều khiển thiết bị đo đạc (20,4%) là những mặt hàng có mức tăng trưởng vô cùng tích cực, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Đồ họaAJU News
[Đồ họa=AJU News]
Việt Nam - thị trường tiềm năng của Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng

Bằng việc tận dụng các biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Việt Nam vào tháng 6 năm 2023, các doanh nghiệp quốc phòng và năng lượng Hàn Quốc đang tích cực lên kế hoạch tấn công vào thị trường Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Korea Aerospace Industries·KAI) đã ký Biên bản ghi nhớ với Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX), đơn vị phát triển, thiết kế và sản xuất thiết bị hàng không và vũ trụ. Theo thỏa thuận này, KAI và VTX sẽ khám phá các thị trường tiềm năng cho nhu cầu về máy bay trực thăng tại Việt Nam và tích cực hợp tác trong việc phát triển và sản xuất cánh quạt. Trong tương lai, 2 công ty có dự định thành lập một nhóm tư vấn cấp nghiệp vụ và ủy ban đánh giá để cụ thể hóa dự án.

Các chuyên gia Hàn Quốc phân tích rằng hợp tác kinh doanh giữa KAI và VTX có thể sẽ là bước đầu tiên để KAI xuất khẩu Surion, dòng máy bay trực thăng vận tải đa nhiệm, tầm trung, 2 động cơ. Bên cạnh đó cũng có thể mang đến cơ hội xuất khẩu pháo tự hành Hanwha Aerospace K9, xe tăng Hyundai Rotem K2, hệ thống vũ khí LIG Nex1. Từ đó, kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ nổi lên như một thị trường xuất khẩu mới cho các công ty quốc phòng Hàn Quốc cũng ngày một tăng lên.

Ngoài quốc phòng, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng để mắt đến lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như SK, Doosan, LS đã quyết định tăng cường hợp tác với các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực như trung hòa carbon, điện và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Doosan Enerbility ngày 23 tháng 6 năm 2023 cũng thông báo đã ký "thỏa thuận kinh doanh nhằm thúc đẩy dự án chuyển đổi sang nhiên liệu thân thiện với môi trường" với các công ty điện lực địa phương tại Việt Nam.

Doosan Enerbility có kế hoạch theo đuổi kinh doanh đồng đốt hỗn hợp amoniac với công ty phát điện Việt Nam 'PV Power' và cùng phát triển công nghệ chuyển đổi nhiên liệu thân thiện với môi trường với 'EVN GENCO3'.

Vào tháng 10 năm 2023, SK Oceanplant (công ty chuyên về điện gió ngoài khơi của SK Group) đã ký thỏa thuận kinh doanh để sản xuất các công trình điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Tổng công ty Ba Son & SREC có trụ sở tại Vũng Tàu. Trong đó, lý do để đưa ra quyết định này là vì công ty nhận thấy Việt Nam có thể đóng vai trò là căn cứ trong thị trường điện gió ngoài khơi ở khu vực Đông Nam Á và Úc.

Một công ty con khác của SK Group là SK E&S (phụ trách lĩnh vực năng lượng) cũng đang vô cùng tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Kể từ năm 2020, SK E&S đã vận hành một nhà máy điện mặt trời 131 megawatt (MW) ở tỉnh Ninh Thuận, cùng với đó là một nhà máy điện gió ngoài khơi hoàn thành vào năm 2021 với công suất 50 MW và một nhà máy khác với 100 MW hoàn thành trong 2023 tại tỉnh Tiền Giang.

Trong tháng 6 năm 2023, SK E&S và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã ký một biên bản ghi nhớ về việc cùng kinh doanh trong lĩnh vực hydro sạch. Chiến lược của hai công ty là thiết lập chuỗi giá trị hydro tại Việt Nam, xem xét tính khả thi của dự án và tạo môi trường chính sách để đẩy nhanh việc thúc đẩy kinh doanh hydro tại địa phương. 

Trong tháng 4 vừa qua, SK E&S và Tập đoàn T&T Group cùng với UBND tỉnh Quảng Trị đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh. Cụ thể, các bên sẽ cùng nhau hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi dự án nhiệt điện Quảng Trị từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu LNG thân thiện hơn với môi trường; hợp tác phát triển các dự án giảm phát thải carbon thấp, trong đó có dự án sản xuất hydrogen xanh; hợp tác triển khai các dự án liên quan đến tín chỉ carbon; hợp tác nghiên cứu thiết lập kho LNG trung tâm (LNG Hub).
 

Ngày 23 tháng 6 năm 2023 tại Hà Nội Thủ tướng Phạm Minh Chính giữa chủ trị tọa đàm bàn tròn trao đổi các vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư trong thời kỳ mới với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc ẢnhVăn phòng chính phủ Việt Nam·VGP
Ngày 23 tháng 6 năm 2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) chủ trị tọa đàm bàn tròn trao đổi các vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư trong thời kỳ mới với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. [Ảnh=Văn phòng chính phủ Việt Nam·VGP]
Hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước

Bên cạnh phát triển về thương mại, kinh tế, giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng diễn ra vô cùng sôi nổi.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến hết năm 2023 có đến 2.507.584 người nước ngoài lưu trú tại Hàn Quốc. Trong số đó số lượng người Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, ghi nhận 271.712 người, tương đương 10,8% tổng số. Đặc biệt, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Hàn Quốc là 80.343 người, đứng thứ nhất trong số sinh viên nước ngoài tại Hàn Quốc.

Ngược lại, ở Việt Nam hiện cũng có khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống, nằm trong nhóm 10 quốc gia nước ngoài có số lượng người Hàn Quốc sinh sống lớn nhất.

Về mặt du lịch, người Hàn Quốc vô cùng yêu thích du lịch Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Du lịch Việt Nam, năm 2023 tổng lượng khách Hàn Quốc đạt gần 3,6 triệu lượt, đứng đầu thị trường khách nước ngoài đến Việt Nam. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách Hàn đến Việt Nam đã đạt hơn 1,9 triệu lượt, chiếm 25,7% tổng lượt khách, tiếp tục dẫn đầu thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam.

Một số địa điểm du lịch mà du khách Hàn Quốc vô cùng yêu thích khi đến Việt Nam là Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tăng cao, các hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc cũng đang tăng cường các chuyến bay đến Việt Nam, đặc biệt tập trung mở rộng các tuyến Nha Trang và Phú Quốc.

Theo Trưởng đại diện Cơ quan Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, phía Hàn Quốc mong muốn giao lưu du lịch giữa hai nước ngày càng phát triển hơn nữa và hy vọng đón được 550.000 lượt khách du lịch Việt Nam trong năm 2024.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là thị trường khách quốc tế đến Hàn Quốc nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) công bố tháng 5 vừa qua cho cho thấy Việt Nam là thị trường khách quốc tế lớn nhất Đông Nam Á tại Hàn Quốc năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Năm 2023, lượng khách Việt đến Hàn đạt 420.000 lượt. Trong 4 tháng đầu năm, Hàn Quốc đón hơn 167.000 lượt khách Việt, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái và phục hồi 97% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Ngoài ra, hai nước cũng rất tích cực đẩy mạnh giao lưu văn hóa chẳng hạn như tổ chức sự kiện thường niên Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc (do Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức), Ngày Việt Nam tại Gwangju (do Hội người Việt Nam tại Jeonnam-Gwangju tổ chức, bắt đầu từ năm 2022), Ngày hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc hay Tuần lễ Ẩm thực Hàn Quốc tại Hà Nội (do aT tổ chức), Lễ hội Con đường văn hoá Hàn Quốc (do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức), Lễ hội Du lịch Hàn Quốc 'Korea Travel Festa'.
 

Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc là một  hoạt  động  truyền  thống  được  Hội  người Việt  Nam  tại  Hàn  Quốc  tổ chức  thường  niên  nhằm  mục  đích  quảng  bá  văn  hóa  truyền  thống đậm đà  bản  sắc  của  dân  tộc  Việt  Nam  đến  toàn  thể  cộng  đồng  người  Việt  Nam  cũng  như  nước  bạn  Hàn  Quốc Ảnh chụp lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 10 được tổ chức tại Quảng trường Gwanghwamun Seoul ngày 492023 ẢnhTTXVN
Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc là một hoạt động truyền thống, được Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức thường niên, nhằm mục đích quảng bá văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam đến toàn thể cộng đồng người Việt Nam cũng như nước bạn Hàn Quốc. Ảnh chụp lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 10, được tổ chức tại Quảng trường Gwanghwamun, Seoul ngày 4/9/2023. [Ảnh=TTXVN]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기