Tòa án Hàn Quốc ngày 29/11 ra phán quyết yêu cầu một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến.
Các phán quyết này được đưa ra 1 tháng sau khi Tòa tối cao Hàn Quốc cũng ra phán quyết buộc công ty thép Nippon Steel và Sumitomo Metal (NSSM) của Nhật Bản phải trả tiền bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến tranh, mỗi nguyên đơn 100 triệu won.
Quyết định này đã khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng Hàn Quốc - Nhật Bản thêm căng thẳng. Dù đều là các đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á và có chung những mối quan tâm an ninh chung, song mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản luôn bị phủ bóng bởi căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và lịch sử thời chiến, đặc biệt theo số liệu chính thức của Seoul, khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị cưỡng ép lao động trong các công ty của Nhật Bản trong thời gian 35 năm phát xít Nhật đô hộ từ năm 1910 đến năm 1945.
Tòa án Tối cao Hàn Quốc giữ nguyên phán quyết của tòa cấp dưới ngày 30.10 rằng hiệp định năm 1956 mà Hàn Quốc ký với Nhật Bản để giải quyết các vấn đề thời thuộc địa không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của các cá nhân.
Theo số liệu chính thức của Hàn Quốc, khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị cưỡng ép lao động trong các công ty của Nhật Bản trong thời kỳ này. Trong số những người bị buộc phải làm việc tại các nhà máy của Nhật Bản, năm 2000, 6 người hiện còn sống đã đệ đơn kiện Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi để yêu cầu bồi thường.
Tòa án này cũng đã buộc Mitsubishi phải bồi thường từ 100 triệu đến 150 triệu won cho một nhóm 5 người khác cũng bị ép buộc lao động thời chiến trong các nhà máy của tập đoàn. Cả hai nhóm đã đệ đơn kiện lên tòa án Seoul sau khi tòa án Nhật Bản bác bỏ yêu cầu bồi thường của họ.
Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, tòa án Hàn Quốc cũng đã yêu cầu một công ty thép của Nhật Bản phải trả khoản bồi thường trị giá 100 triệu won cho 4 lao động bị cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Quyết định đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản. Công ty Mitsubishi mô tả phán quyết là “vô cùng đáng tiếc”, và trong một tuyên bố nói rằng công ty sẽ thảo luận với chính phủ Nhật Bản trước khi hồi đáp.