Theo một báo cáo vừa được công bố, Huawei đang bị điều tra vì đã phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ đối với một số quốc gia. Cuộc điều tra này cũng giải thích vì sao mà Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách tài chính của Huawei - bà Meng Wanzhou đang bị giam giữ tại Canada và có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.
Bà Meng Wanzhou cũng chính là con gái của ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập tập đoàn Huawei. Theo Phonearena, bà Meng Wanzhou bị cáo buộc âm mưu sử dụng hệ thống ngân hàng nhằm giúp công ty làm ăn với Iran.
Theo tiểu sử được đăng tải trên website của công ty, bà Meng Wanzhou đóng vai trò quan trọng trong quá trình quốc tế hóa của Huawei. Bà đứng đầu mảng kế toán quốc tế, từng làm giám đốc tài chính chi nhánh Hong Kong, giám sát thành lập các trung tâm dịch vụ toàn cầu và chịu trách nhiệm một chương trình hợp tác 8 năm với IBM nhằm đưa yếu tố quản trị nước ngoài vào công ty. Bà có bằng thạc sĩ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung.
Thông tin về việc bắt giữ bà Meng Wanzhou đã gây gốc cho thị trường chứng khoán toàn cầu về lo ngại có thể xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi một thỏa thuận "đình chiến" được thực hiện vào tuần trước giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình.
Trước cáo buộc này, Huawei đang phải đối mặt với nguy cơ nhận lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu từ phía Mỹ. Trước đó, chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra khuyến cáo với các nước đồng minh, về việc không nên sử dụng thiết bị 5G do Huawei sản xuất.
Cơ quan tình báo Mỹ còn cáo buộc rằng Huawei có liên quan tới chính phủ Trung Quốc và rằng các thiết bị của họ có thể gây ra rủi ro về an ninh thông tin cho người dùng Mỹ. Hiện chưa có bằng chứng nào được công khai và công ty Huawei thì khẳng định đây không phải là sự thật.
Ngoài lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông, Huawei cũng vừa vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ 2 thế giới. Mặc dù vậy, Huawei bốn nhà mạng lớn của Mỹ không được chính phủ cho phép bán điện thoại Huawei tại thị trường này.
Trước đó vào đầu năm nay, ZTE đã phải nhận lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu từ Mỹ, điều khiến hãng này không thể tiếp cận với các sản phẩm phần cứng và phần mềm của các doanh nghiệp Mỹ. Lý do mà án phạt được đưa ra là vì ZTE có quan hệ làm ăn với Iran và Triều Tiên, 2 quốc gia đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ. Lệnh cấm trên chỉ được bãi bỏ khi ZTE chấp nhận nộp khoản tiền phạt 1,7 tỷ USD cho chính phủ Mỹ.