Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc phóng tên lửa 3 tầng tự chế vào không gian

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:25 22-10-2021
Vào lúc 5 giờ chiều ngày 21/10, 'Phương tiện Phóng Không gian Hàn Quốc-2' (Korea Space Launch Vehicle-2·KSLV-2) còn được biết đến với tên gọi tên lửa "Nuri", đã được phóng lên từ bệ phóng số 2 tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung-gun (Jeollanam-do), cách Seoul 330 km. "Nuri" là tên lửa ba tầng, trang bị hệ thống đẩy hạng 300 tấn và được chế tạo hoàn toàn bằng các công nghệ của Hàn Quốc.

Tên lửa Nuri (KSLV-ll) của Hàn Quốc, được thiết kế và sản xuất bằng công nghệ trong nước, đang được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung-gun, Jeollanam-do vào ngày 21/10. [Ảnh=Yonhap News]


30 phút trước khi phóng, tên lửa được hoàn tất nạp nhiên liệu và chất oxy hóa, các thiết bị dựng quanh tên lửa cũng được tháo dỡ. Tiếp đó, trong vòng 10 phút từ lúc 4 giờ 50 phút, tên lửa đã được kích hoạt chế độ vận hành tự động (PLO) rồi sau đó được tự động phóng.

2 phút sau khi được phóng, tên lửa đã tách tầng 1 ở độ cao 59 km. Tới 5 giờ 4 phút, tên lửa tách nắp bảo vệ của vệ tinh mô phỏng. Cùng lúc đó, động cơ ở tầng hai dừng hoạt động, động cơ tầng ba được kích hoạt. Vào phút thứ 6 sau khi phóng, tên lửa bay được trên 500 km, và đạt trên 600 km vào phút thứ 8. Tới 5 giờ 12 phút, động cơ tầng ba tên lửa dừng hoạt động và 5 giờ 15 phút, vệ tinh được tách ra khỏi tên lửa một cách bình thường.

Phải mất khoảng 16 phút để tên lửa của Hàn Quốc di chuyển lên độ cao mục tiêu khoảng 700 km, nơi nó phóng ra một vệ tinh mô phỏng nặng 1,5 tấn. 

 

Nuri là một tên lửa ba giai đoạn được thiết kế để đưa một vệ tinh giả nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo tầm thấp (600 ~ 800km). [Ảnh=Hiệp hội ảnh Hàn Quốc]


Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra thông điệp tới người dân sau khi theo dõi vụ phóng tại Trung tâm vũ trụ Naro, cho biết tên lửa đã được phân tách một cách thuận lợi, nhưng vẫn chưa thành công hoàn hảo đưa vệ tinh mô phỏng lên quỹ đạo mục tiêu.

Tổng thống Moon phát biểu "Tôi cảm thấy rất tự hào. Dù chưa hoàn thành được mục tiêu phóng vệ tinh mô phỏng vào quỹ đạo tuy nhiên chúng ta đã thành công trong việc đưa tên lửa vươn tới độ cao mục tiêu. Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây đó là giải quyết vấn đề làm thế nào để đưa được vệ tinh giả vào quỹ đạo."

Tuy nhiên, Tổng thống cũng ca ngợi các nhà khoa học và quan chức đã đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ trụ với tên lửa đầu tiên do chính Hàn Quốc tự chế tạo.

"Kết quả của việc đưa một tên lửa vào không gian là một thành tựu tuyệt vời. Chúng ta đã tiến xa đến mức này sau 12 năm kể từ khi dự án được khởi động. Nếu tiếp tục nâng cấp, cải thiện các bộ phận còn thiếu sót sau vụ phóng thử ngày hôm nay, tôi tin rằng lần phóng thứ hai (dự kiến ​​vào tháng 5/2022) chắc chắn sẽ thành công", tổng thống Moon bày tỏ.

Lần phóng tên lửa Nuri tự chế đã đưa Hàn Quốc vào hàng ngũ các quốc gia có thể phát triển một tên lửa có khả năng mang trọng tải hơn một tấn lên quỹ đạo. Các nhà khoa học Hàn Quốc đã mất 11 năm 7 tháng để phát triển một tên lửa sử dụng công nghệ nội địa sau các nước như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Giờ đây, các nhà khoa học sẽ phải nghiên cứu các công nghệ cần thiết để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo.

Được khuyến khích bởi việc phóng tên lửa trong nước, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy thay đổi chính sách để nuôi dưỡng ngành công nghiệp vũ trụ của đất nước do các công ty và tổ chức tư nhân dẫn đầu. Từ năm 2022 đến năm 2027, Seoul sẽ chi khoảng 680 tỷ won (577 triệu đô la) để phóng bốn tên lửa Nuri trong nỗ lực thiết lập một hệ sinh thái nghiên cứu không gian tự bền vững và ươm tạo các công ty như Space X và Blue Origin của Hoa Kỳ sử dụng tái sử dụng tên lửa để đưa người và vệ tinh lên vũ trụ.

 

Tổng thống Moon Jae-in quan sát vụ phóng phương tiện phóng của Triều Tiên 'Nuri' (KSLV-2) tại Tòa nhà Nghiên cứu Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, Jeollanam-do, vào chiều qua của ngày 21, trong khi lắng nghe giải thích của Lee Sang-ryul, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc. [Ảnh=Yonhap News]


Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) có kế hoạch tiến hành thêm 5 lần phóng thử nữa trước khi tên lửa sẵn sàng mang vệ tinh thật vào không gian. Lần phóng thử tiếp theo đã được lên lịch vào ngày 19/5/2022.

Dự án NURI được ấp ủ từ năm 2010 với chi phí đầu tư lên tới 1,66 tỷ USD. KARI là đơn vị thiết kế tên lửa, trong khi Korea Aerospace Industries, Hanwha Aerospace và Hyundai Heavy Industries chịu trách nhiệm sản xuất và lắp ráp. Phương tiện cao 47,2 m, có đường kính 3,5 m và nặng tới 200 tấn.

Việc sở hữu tên lửa đẩy riêng sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch xây dựng hệ thống định vị và do thám dựa trên vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc 6G và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc trong tương lai.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기