Đời sống Xã hội

Người Hàn Quốc vẫn tiếp tục 'mua sắm phục thù'…Doanh thu đến từ các mặt hàng cao cấp tăng trưởng tích cực

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:29 26-04-2022
Tâm lý người tiêu dùng, vốn bị kìm hãm bởi dịch COVID-19 kéo dài đã chuyển thành hành vi 'mua sắm phục thù' với đặc điểm là chi tiền cho các các sản phẩm cao cấp. Theo đó, số lượng các giao dịch chi tiêu với giá trị lớn đã không ngừng tăng lên trong năm nay.

Khi du lịch nước ngoài bị 'đóng băng' do đại dịch COVID-19, nhiều khảo sát đã phân tích rằng số tiền dự định được sử dụng để đi du lịch nước ngoài đang được sử dụng thay thế bằng cách mua sản phẩm hàng hiệu, đồ dùng cao cấp.


 

Cửa hàng Chanel tại một trung tâm thương mại ở Seoul. [Ảnh=Yonhap News]


Samsung Credit Card cho biết vào ngày 26 rằng trong quý đầu tiên của năm nay, số lượng giao dịch chi tiêu giá trị lớn với một lần quẹt thẻ trị giá hơn 1 triệu won (khoảng 18,35 triệu VNĐ) đã tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cùng thời gian, các khoản thanh toán dưới 100.000 won/quẹt thẻ tăng 28%, các khoản thanh toán từ 100.000~500.000 won/quẹt thẻ tăng 62%.

Cụ thể, trong số những người tiêu dùng đã quẹt thẻ hơn 1 triệu won/lần bằng thẻ tín dụng tại các trung tâm thương mại, người tiêu dùng trong độ tuổi từ 40 đến 49 chiếm đa số, với mức tăng hàng năm là 99%. Người tiêu dùng từ 20~29 tuổi, 30~39 tuổi và trên 50 tuổi tăng lần lượt 56%, 89% và 88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Samsung Credit Card, khách hàng ở độ tuổi 30 và 40 có khả năng chi tiêu nhất định là lực lượng chính của mức tiêu dùng cao và hành vi "mua sắm phục thù", được phản ánh qua việc không ngần ngại chi tiêu cho các món xa xỉ phẩm trong các trung tâm thương mại lớn.

Đã có không ít bài báo đưa tin rằng ngay cả khi các thương hiệu thời trang xa xỉ như Hermes, Louis Vuitton, Chanel lần lượt nâng giá thành sản phẩm của họ, các nhãn hàng này cũng không đủ hàng để bán, cho thấy nhu cầu mua sắm đang tăng mạnh của một số bộ phận khách hàng.

Các thương hiệu quốc tế cao cấp đã chứng kiến ​​doanh số bán hàng tăng vọt tại Hàn Quốc vào năm ngoái nhờ xu hướng 'mua sắm phục thù'.

Doanh thu năm ngoái của Chanel Hàn Quốc là 1.223,8 tỷ won, tăng 31,6% so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận hoạt động tăng 67% lên 249 tỷ won.

Doanh thu của Louis Vuitton Hàn Quốc tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020 lên 1.468,1 tỷ won, và lợi nhuận hoạt động của nó tăng gần gấp đôi lên 301,9 tỷ won.

Một quan chức trong ngành phân phối cho biết, "Khi việc du lịch nước ngoài bị chặn lại do đại dịch, đã có không ít người chi tiêu số tiền tương đương cho việc du lịch vào các mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên tình hình có thể sẽ sớm thay đổi khi chính phủ Hàn Quốc mới đây đã hạ cấp dịch COVID-19 xuống mức tương đương với bệnh sởi cũng như các quy định về giãn cách xã hội cũng gần như được dỡ bỏ hoàn toàn ngoại trừ nghĩa vụ phải đeo khẩu trang. Thêm vào đó, việc du lịch nước ngoài cũng bắt đầu được nối lại chắc chắn sẽ khiến cho cuộc sống dần trở lại với trạng thái trước khi có dịch."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기