Giải trí

Thị trường K-pop có sự chuyển hướng rõ rệt…Mỹ trở thành 'miền đất hứa' cho các công ty giải trí Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)08:54 17-06-2022
Trong những năm gần đây, các nhóm nhạc như BTS, BLACKPINK đã khuynh đảo thị trường Bắc Mỹ, theo đó có ngày càng nhiều nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc không còn giới hạn ở thị trường châu Á mà đã lấn sân sang khu vực châu Mỹ, châu Âu. Có thể dễ dàng nhận thấy giờ đây mục tiêu cho các sân khấu biểu diễn của K-pop đã hoàn toàn thay đổi.

 

Nhóm nhạc BTS [Ảnh=Big Hit Music]


Theo tin tức trong ngành, nhóm nhạc nam DKB sẽ tổ chức tour diễn tại 6 địa điểm tại Mỹ bắt đầu ở New York vào ngày 10/6, sau 800 ngày kể từ ngày ra mắt (debut) vào ngày 3/2/2020.

Một nhóm tân binh khác, GHOST9, cũng đã hoàn thành chuyến lưu diễn tại Mỹ nhân dịp kỷ niệm 500 ngày ra mắt vào tháng 1 năm nay.

aespa, nhóm nhạc nữ mới của SM Entertainment cũng sẽ tổ chức "aespa Showcase SYNK in LA" vào ngày 26 (theo giờ địa phương) tại Los Angeles, Hoa Kỳ.

Ngoài ra, có không ít các nhóm nhạc khác như CIX, THE BOYZ, (G)I-DLE, Brave Girls, Golden Child đã thông báo lịch tổ chức các buổi biểu diễn tại Mỹ trong năm nay.

Các chuyên gia cho rằng thị trường biểu diễn trực tiếp đã bị đóng băng khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn thế giới lại là cơ hội để K-pop mở rộng ra thế giới, đặc biệt là ở phương Tây. Với sự phát triển của các mạng xã hội (SNS) và các nền tảng video như YouTube và TikTok, số lượng người hâm mộ quan tâm đến K-pop đã tăng mạnh.

Ví dụ, buổi biểu diễn Kpop tổ chức tại Frankfurt, Đức trong 2 ngày 14~15/5 có giá dao động từ 68~328 euro (khoảng 1,7~8,2 triệu VNĐ) nhưng tất cả vé đã bán hết ngay trong ngày đầu tiên. Thậm chí, giá vé được giao dịch bán lại trên Internet còn được đẩy lên mức 700 euro (khoảng 17,4 triệu VNĐ).

Lee Hyun-ji, nhà nghiên cứu tại EUGENE Investment Securities, Hàn Quốc cho biết, "Cách đây vài năm, K-pop vẫn còn chưa phổ biến trong xã hội phương Tây. Tuy nhiên sau khi bùng phát dịch COVID-19, sức ảnh hưởng của Hallyu ngày càng được mở rộng, và kể từ đó sự gia nhập của các nghệ sĩ Hàn Quốc vào thị trường Bắc Mỹ cũng tăng lên."

Hiện tại, BTS vẫn đang là nhóm nhạc dẫn đầu, thúc đẩy sự phát triển của Hallyu tại thị trường Bắc Mỹ. Ngoài giải Grammy, họ đã ẵm về những giải thưởng quan trọng như American Music Awards, Billboard Music Awards và liên tục viết nên những kỉ lục mới cho Hàn Quốc.

BLACKPINK - Nhóm nhạc nữ 4 thành viên của YG Entertainment. [Ảnh=YG Entertainment]


Số lượng các nhóm nhạc thần tượng K-pop và quy mô tour diễn tại Mỹ trong hơn 5 năm cũng đang tăng lên. Thống kê cho thấy các chuyến lưu diễn tại Mỹ trước đây của TWICE đã thu hút khoảng 10.000 khán giả cho mỗi chương trình, con số này đã tăng lên 20.000 trong năm nay. Stray Kids và SEVENTEEN trước đây thu hút ít hơn 10.000 người xem mỗi buổi biểu diễn nhưng hiện tại số lượng khán giả cũng đã duy trì từ 10.000 đến 20.000 người/một buổi diễn.

Đồng thời, tỷ lệ xuất khẩu âm nhạc Hàn Quốc sang các quốc gia ngoài châu Á cũng tăng đều đặn qua các năm. Dữ liệu từ Cục Hải quan Hàn Quốc cho thấy tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tăng kỷ lục từ mức 5,3% năm 2017 lên 17,2% vào năm 2021.

Khi thị trường Mỹ trở nên quan trọng hơn, các công ty giải trí bắt đầu thay đổi thời gian phát hành ca khúc mới sang thứ sáu. Mục đích của việc này là để có thể lọt vào bảng xếp hạng Billboard. Kết quả thực tế cho thấy lần nghệ sĩ Hàn Quốc lọt vào bảng xếp hạng Billboard Top 100 đĩa đơn đã tăng từ 5 lần vào năm 2019 lên 17 lần vào năm 2020, và số lượng đĩa đơn lọt vào Top 200 của Billboard đã tăng từ 5 lần. Số lượng bài hát K-pop lọt vào Billboard 200 cũng tăng từ 8 bài vào năm 2019 lên 14 bài vào năm 2020. Chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có 3 ca khúc lọt vào Billboard Hot 100 và 4 ca khúc trong bảng xếp hạng Billboard 200.

Những người làm việc trong ngành giải trí cho biết bản thân 'Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu)' bắt đầu từ việc K-pop thâm nhập vào Trung Quốc nhờ khả năng tiếp cận và sự đồng nhất về văn hóa, nhưng giờ đây mọi chuyện đã có nhiều thay đổi khi các nhóm nhạc thần tượng không còn nhắm tới thị trường tỷ dân hay các quốc gia Đông Nam Á nữa. Lý do là vì thị trường Mỹ, nơi có thể dễ dàng thu về số lợi nhuận cao gấp nhiều lần đã dần mở tung cánh cửa cho K-pop tiến vào. 

Theo Pricewater Cooper House (PwC), một công ty tư vấn toàn cầu, quy mô thị trường âm nhạc biểu diễn ở Mỹ lớn nhất thế giới với 10,88 tỷ USD. Con số này gấp 3,7 lần Nhật Bản (2,97 tỷ USD), thị trường đứng thứ 2 thế giới và 42 lần so với Trung Quốc (258 triệu USD), thị trường đứng thứ 19.

Một quan chức trong ngành giải trí cho biết, "10 năm trước, khi JYP thất bại trong việc Mỹ tiến và phải quay trở lại với các thị trường vốn có khiến cho không ít người cho rằng việc Kpop thâm nhập các nước phương Tây là một giấc mơ bất khả thi. Tuy nhiên giờ đây, cục diện đã thay đổi, không có mấy công ty mặn mà với các nước Đông Nam Á - thị trường có thừa tinh thần ủng hộ và nhiệt huyết nhưng lại yếu về mặt tài chính, và Trung Quốc nơi có quá nhiều quy định phức tạp. Mọi sự quan tâm hiện giờ đang đổ dồn vào thị trường Mỹ."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기