Với việc chính phủ dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và liên tiếp nối lại các chuyến bay quốc tế, nhu cầu du lịch trong và ngoài nước đã tăng mạnh trở lại, tuy nhiên tốc độ phục hồi của cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động văn hóa du lịch vẫn chưa theo kịp lượng du khách.
Theo chia sẻ của người phụ trách một công ty lữ hành phục vụ khách du lịch Đông Nam Á, mới hoạt động trở lại sau 2 năm tạm nghỉ vì dịch bệnh cho hay "Hệ sinh thái du lịch trong nước đã thay đổi đáng kể trong hai năm qua, rất khó để ngay lập tức lên kế hoạch hay xây dựng các tuyến du lịch". Nhân viên này cũng nói thêm "Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của xe buýt du lịch phục vụ khách đoàn tại Hàn Quốc đã giảm xuống còn một phần ba so với trước khi có dịch. Không những vậy, số lượng buổi diễn của Nanta Cooking show (buổi biểu diễn phi ngôn ngữ, sử dụng bộ gõ truyền thống của Hàn Quốc để thể hiện nội dung câu chuyện), một trong những chương trình nghệ thuật được đông đảo du khách quốc tế yêu thích đã bị cắt giảm, các cửa hàng cho thuê hanbok (trang phục tuyền thống của Hàn Quốc) gần Cung điện Gyeongbok cũng chưa hoạt động bình thường trở lại.
Từ đầu tháng 6, các đoàn du lịch nước ngoài quy mô lớn đã lần lượt nhập cảnh Hàn Quốc. Ngày 6 vừa qua, đảo Jeju đã đón đoàn du lịch Thái Lan với quy mô 170 người, cửa hàng miễn thuế Lotte ở Myeongdong cũng chào đón đoàn du lịch Malaysia gồm 150 người vào ngày 7. Đây là những đoàn khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Seoul kể từ khi COVID-19 bùng phát.
Theo một người phụ trách Lotte Duty Free, trong tháng này sẽ có 2 đoàn khách đến từ Thái Lan (150 người) và Philippines (150 người). Du khách Đông Nam Á rất ưa chuộng các môn thể thao trên băng như trượt tuyết nên nhu cầu du lịch Hàn Quốc vào mùa đông (tháng 10~12) thường khá lớn. Dự kiến, sẽ có hàng nghìn khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc vào quý IV.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù các đoàn du lịch nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại Hàn Quốc, nhưng tác động tiêu cực của giá cả tăng cao có thể kéo giảm tốc độ phục hồi của ngành du lịch.
Với việc giá dầu diesel tiếp tục tăng, hiện giá vé của các công ty lữ hành đã tăng gấp đôi so với trước khi có dịch. Chi phí ăn uống, lưu trú tăng cao cũng làm tăng tổng chi phí chuyến đi.
Nhân viên quản lý bộ phận khách quốc tế của một công ty du lịch cho biết "Chi phí sản phẩm du lịch trọn gói cho 1 người hiện tại đã tăng thêm 30 đô la Mỹ (khoảng 700 nghìn VNĐ). Theo đó, chi phí du lịch trong khoảng thời gian 1 tuần sẽ tốn thêm 180~210 đô la/người so với thời điểm trước dịch và chưa bao gồm giá vé máy bay cùng như chi phí xét nghiệm COVID-19."
Các quan chức trong ngành cũng cho biết mặc dù Hallyu phổ biến trên toàn thế giới, nhưng đối với đa số khách hàng, nếu bỏ ra cùng một số tiền như trên thì du lịch châu Âu sẽ là lựa chọn hợp lý hơn. Khả năng cạnh tranh về giá càng thấp thì việc thu hút khách du lịch đến Hàn Quốc càng khó. Đặc biệt, khi chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép du khách theo nhóm nhập cảnh từ tháng này, thì sẽ có không ít du khách sẽ chọn Nhật Bản là điểm đến thay cho Hàn Quốc.
Cũng có ý kiến cho rằng khách du lịch Trung Quốc và Nhật Bản, đối tượng du khách đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của ngành du lịch Hàn Quốc vẫn chưa quay trở lại nên các cơ sở vật chất hỗ trợ du lịch vẫn chưa thể hoạt động hết công suất như trước dịch.
Lấy các cửa hàng miễn thuế làm ví dụ, số liệu cho thấy 90% doanh thu của các cửa hàng miễn thuế là do khách Trung Quốc đóng góp, trong khi đóng góp của khách du lịch đến từ Hàn Quốc (3%), Nhật Bản (1%) và các nước khác chỉ chiếm 10%. Số lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 4 năm nay là 65.283 người, tăng 30% so với tháng trước, nhưng doanh thu của các cửa hàng miễn thuế giảm 19% xuống còn 1,2745 nghìn tỷ won.