Truyền thông Hàn Quốc đưa tin đã nhận được thông tin về một số vụ lừa đảo được thực hiện nhằm vào khách du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam với lý do là giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính không đúng quy định.
Sáng ngày 2/8, trang thông tấn Yonhap News của Hàn Quốc đã đăng tải bài viết liên quan đến tình trạng người Hàn Quốc tại Việt Nam gặp phải khó khăn và phải trả chi phí cao một cách bất hợp lý cho môi giới trong việc xét nghiệm COVID-19 và lấy giấy xác nhận âm tính để xuất cảnh.
Sáng ngày 2/8, trang thông tấn Yonhap News của Hàn Quốc đã đăng tải bài viết liên quan đến tình trạng người Hàn Quốc tại Việt Nam gặp phải khó khăn và phải trả chi phí cao một cách bất hợp lý cho môi giới trong việc xét nghiệm COVID-19 và lấy giấy xác nhận âm tính để xuất cảnh.
A (người đã thông tin cho Yonhap News) cho biết đã bị lừa bởi một người môi giới tại Việt Nam trong khi cố gắng bay về Hàn Quốc từ Hà Nội vào ngày 26/7.
Vào ngày 25, một ngày trước khi về nước, để có thể nhập cảnh vào Hàn Quốc, A đã lấy giấy xác nhận âm tính sau khi xét nghiệm kháng nguyên tại một bệnh viện đa khoa gần khách sạn.
Tuy nhiên, trước khi khởi hành 2 tiếng, trong quá trình làm thủ tục tại sân bay, một nhân viên của Hãng hàng không B đã nói với gia đình A rằng "Giấy xác nhận không phải bằng tiếng Anh nên sẽ không thể nhập cảnh (Hàn Quốc). Hôm nay không thể bay được, hãy bay chuyến khác vào ngày mai".
Khi gia đình A hỏi có bệnh viện nào đang làm việc ở gần sân bay không thì nhân viên này chỉ lặp lại lời nói để ngày mai bắt chuyến bay khác.
Đúng lúc đó, hai người đàn ông Việt Nam xuất hiện trước mặt gia đình A những người đang ngơ ngác vì không biết phải làm thế nào, đề nghị giải quyết sự việc. Họ thúc giục gia đình A bắt taxi đến bệnh viện, và cho biết "Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ khẩn cấp cho mọi người". Trên xe taxi, ảnh hộ chiếu của gia đình A cũng được những người này chụp lại.
Bệnh viện mà gia đình A được đưa đến có vẻ cũng có dấu hiệu "móc ngoặc" với người môi giới. Bệnh viện đã bàn giao kết quả xét nghiệm của gia đình A cho người môi giới. Người môi giới cầm tờ kết quả xét nghiệm và nói: "Nếu bây giờ mỗi người không nộp 1,7 triệu đồng (khoảng 95.000 won) thì chúng tôi không thể trả kết quả xét nghiệm cho mọi người được". A đã định cố gắng trả tiền khám trực tiếp cho phía bệnh viện nhưng vô ích.
Người môi giới tiếp tục hù dọa bằng lý lẽ "Nếu không có tiền, thế thì tự quay lại sân bay và bắt chuyến bay vào ngày mai hoặc muốn làm thế nào thì làm."
A cho biết ở bệnh viện mà mình được đưa đến có vẻ cũng liên tục có thêm những khách Hàn Quốc khác được dẫn tới để khám COVID-19 với lý do tương tự (hãng hàng không không chấp nhận giấy xác nhận âm tính do không có phần dịch tiếng Anh/Hàn). Những người môi giới đưa khách du lịch Hàn Quốc thì liên tục thì thầm trao đổi với nhau. Trong số những du khách Hàn Quốc mà A nói chuyện, có một người đã phải trả tới 2,5 triệu đồng (khoảng 140.000 won) cho người môi giới.
A, người đã chấp nhận trả tiền cho môi giới để có thể lấy giấy xác nhận âm tính để nhập cảnh vào Hàn Quốc, sau đó mới được nhân viên của hãng hàng không B chi nhánh Hàn Quốc cho biết rằng A có thể nhập cảnh Hàn Quốc ngay cả với giấy xác nhận bằng ngôn ngữ địa phương (tiếng Việt) mà anh đã nhận được từ ban đầu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) tuyên bố rằng nếu phần ghi chú 'phương pháp kiểm tra' được viết bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh với kết luận xác nhận 'âm tính' thì các hạng mục khác có thể được nhận dạng ngay cả khi chỉ được viết bằng ngôn ngữ địa phương. Theo đó, giấy xác nhận mà A có lúc đầu là hợp lệ vì hạng mục phương pháp kiểm tra được viết bằng tiếng Anh.
C, một du khách Hàn Quốc khác suýt nữa cũng trở thành nạn nhân bị các công ty môi giới lừa đảo với phương thức tương tự.
C cho biết "Sau khi nhận được thông báo khó lên máy bay, bất ngờ có người đàn ông Việt Nam xuất hiện và bảo sẽ giúp đỡ trong việc kiểm tra COVID-19 sau đó đưa chúng tôi lên taxi và yêu cầu trả 100.000 won/người. Ở bệnh viện mà chúng tôi được đưa đến đã có khoảng 5 người Hàn Quốc nữa đang chờ rồi."
"Khi những người Hàn Quốc khác xung quanh tôi bảo là sẽ gọi cảnh sát, người môi giới đã bỏ chạy. Chúng tôi may mắn vì vẫn chưa trả tiền nhưng vẫn lo lắng vì sợ bị trả thù vì người môi giới kia đã chụp ảnh hộ chiếu của chúng tôi."
A cho rằng "Có vẻ như các nhân viên của hãng hàng không B, người môi giới và bệnh viện đã tham gia vào một hành vi gian lận một cách có hệ thống."
Hiện tại, hãng hàng không B đang trong quá trình xác định danh tính các nhân viên làm việc tại thời điểm đó bằng cách chuyển hồ sơ vụ việc của gia đình A cho trụ sở chính tại Việt Nam.
Một quan chức của Hãng hàng không B chi nhánh Hàn Quốc cho biết, "Giấy xác nhận được yêu cầu khi nhập cảnh tại điểm đến (Hàn Quốc) vốn không phải là điều mà các nhân viên địa phương (Việt Nam) cần phải chú ý. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi, phải kiểm tra khi khách nhập cảnh vào Hàn Quốc. Tuy nhiên nhân viên địa phương lại làm trước luôn cả phần công việc này nên mới xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng để trục lợi bất chính như thế này."