Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều diễn biến không tích cực, chính phủ Hàn Quốc mới đây đã một lần nữa bày tỏ mối lo ngại về sự suy giảm kinh tế.
Có dự đoán cho thấy rằng sự phục hồi của xuất khẩu Hàn Quốc có thể bị hạn chế trong tương lai do rủi ro đi xuống của nền kinh tế toàn cầu trong khi tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng xấu bởi lạm phát cao.
Có dự đoán cho thấy rằng sự phục hồi của xuất khẩu Hàn Quốc có thể bị hạn chế trong tương lai do rủi ro đi xuống của nền kinh tế toàn cầu trong khi tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng xấu bởi lạm phát cao.
Trong ấn phẩm tháng 8 của 'Các xu hướng kinh tế gần đây (Sách xanh)' xuất bản ngày 19, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cho biết, "Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao tiếp tục kéo dài do điều kiện bên ngoài xấu đi và tâm lý kinh tế bị ảnh hưởng một phần, những hạn chế đối với sự phục hồi của xuất khẩu trong tương lai đã trở thành một nhân tố làm gia tăng lo ngại về suy giảm kinh tế."
Trong quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19, đây là lần thứ 2 Bộ Chiến lược và Tài chính đưa ra những nhận định thận trọng về triển vọng kinh tế tương lai, 3 tháng kể từ lần đầu tiên bày tỏ lo ngại về sự suy giảm kinh tế thông qua Sách xanh ấn phẩm tháng 6.
Trong tháng 7, chỉ số CPI đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng cao nhất trong 23 năm và 8 tháng kể từ tháng 11/1998 (6,8%) trong cuộc khủng hoảng tài chính. Thêm vào đó, những trận mưa như trút vừa qua cũng làm dấy lên lo ngại về sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, khi giá dầu quốc tế giảm do lo ngại suy thoái kinh tế, người ta đã đặt ra kỳ vọng rằng xu hướng lạm phát sẽ đạt đỉnh. Giá dầu trung bình của Dubai trong tháng 7 là 103,1 USD / thùng, giảm so với mức 113,3 USD trong tháng 6.
Điều tích cực là giá ngũ cốc quốc tế giảm khi xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được nối lại.
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến đà tăng của lạm phát sẽ chậm lại vào tháng 9 hoặc muộn nhất là vào tháng 10 sau dịp lễ Trung thu (Chuseok).
Doanh số bán lẻ trong tháng 6 giảm 0,9% so với tháng trước, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Trong trường hợp doanh số bán lẻ trong tháng 7, chính phủ dự đoán rằng doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại và việc số tiền chi tiêu thông qua thẻ tín dụng nội địa là những yếu tố tích cực, nhưng ngược lại sự sụt giảm trong chỉ số tâm lý người tiêu dùng sẽ có tác động tiêu cực.
Trong tháng 7, doanh số bán hàng tại trung tâm thương mại đã tăng 26,0% và số tiền chi tiêu thông qua thẻ tín dụng nội địa tăng tương ứng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm 10,4 điểm so với một tháng trước xuống 86,0, lần đầu tiên xuống dưới mốc 90 kể từ tháng 9/2020 (80,9). Nếu chỉ số này thấp hơn 100, có nghĩa là tâm lý người tiêu dùng đang bi quan so với mức trung bình dài hạn (2003~2021).
Xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng 9,2% so với một năm trước đó, ghi nhận mức tăng trưởng một con số trong tháng thứ hai liên tiếp. Các điều kiện bên ngoài xấu đi, chẳng hạn như nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, là các yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực cho xuất khẩu.
Lee Seung-han, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế tại Bộ Chiến lược và Tài chính, cho biết, "Thị trường tài chính không ổn định do việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ và tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc chạm ngưỡng 6%, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng của các hộ gia đình."
Về triển vọng xuất khẩu, trưởng bộ phận Lee cho biết "Việc Hoa Kỳ tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp có thể khiến xuất khẩu của Hàn Quốc sang Hoa Kỳ bị ảnh hưởng trong tương lai. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm do nới lỏng các quy định kiểm dịch đối với COVID-19, nhưng doanh số bán lẻ và chỉ số hoạt động công nghiệp trong tháng Bảy yếu hơn nhiều so với dự kiến của thị trường, dẫn đến tình trạng xuất khẩu sang Trung Quốc đang khá chậm chạp."
Ông Lee giải thích thêm "Gần đây, đơn giá của chất bán dẫn cũng giảm nhanh hơn so với dự báo của thị trường, vì vậy chúng tôi sẽ chú ý đến điều này và kiểm tra kỹ lưỡng các tác động có thể xuất hiện trong xuất khẩu."
Sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 6 tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy mức tăng của tháng thứ hai. Sản xuất công nghiệp và khai khoáng (1,9%) dẫn đầu mức tăng của tất cả các ngành sản xuất công nghiệp. Đây là kết quả của việc tăng sản xuất chất bán dẫn (4,2%) và ô tô (7,4%) do vấn đề gián đoạn cung cầu chất bán dẫn đã được giảm bớt.
Số người có việc làm trong tháng 7 đã tăng 826.000 người so với một năm trước đó, duy trì xu hướng tăng.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, "Chúng tôi sẽ đối phó toàn lực nhằm ổn định giá cả trong dịp lễ Trung thu sắp tới cũng như phục hồi thiệt hại do mưa lớn vừa qua. Chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực quản lý rủi ro và nâng cao sức sống kinh tế tư nhân, thúc đẩy nhanh chóng các dự án cải cách cơ cấu theo từng lĩnh vực."