Seoul là khu vực có nhiều báo cáo về tội phạm rình rập nhất
Kể từ khi Đạo luật trừng phạt tội phạm rình rập (stalking) được thực thi vào tháng 10/2021, dữ liệu thống kê cho thấy khu vực thường xuyên xảy ra tội phạm rình rập bám đuôi nhất chính là thủ đô Seoul. Tuy nhiên, tỷ lệ kết tội với tội phạm rình rập tại Seoul lại thấp nhất cả nước.
Khi nhận thức về tội phạm rình rập đã tăng lên sau 'Vụ án nữ nhân viên bị sát hại ở ga Sindang', một số ý kiến chỉ ra rằng các cơ quan điều tra nên tích cực thực hiện các bước để ngăn chặn và trừng phạt kẻ phạm tội.
Theo 'Hiện trạng thi hành Đạo luật trừng phạt về tình trạng tội phạm rình rập' mà Nghị sĩ Jang Dong-hyeuk (Đảng Quyền lực Quốc gia) nhận được từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia vào ngày 30, tính từ tháng 10/2021~8/2022 khu vực mà các vụ án liên quan tới hành vi theo dõi, bám đuôi được báo cáo thường xuyên nhất là Seoul với 1.845 vụ.
Tiếp theo là khu vực Gyeongnam với 1.437 trường hợp, Incheon 592 trường hợp, Busan 459 trường hợp và Gyeongbuk 442 trường hợp.
Trai ngược với hiện trạng số vụ báo cáo về tội rình rập, Seoul lại có tỷ lệ truy tố nghi phạm rình rập thấp nhất tại Hàn Quốc. Trong số 1.719 nghi phạm rình rập bị bắt ở Seoul kể từ khi luật có hiệu lực, chỉ có 994 người (57,8%) bị đưa ra xét xử. Thậm chí gần 1 nửa số kẻ phạm tội đã không ra hầu tòa.
Trong số những người được đưa ra xét xử, cũng chỉ có 3,7% (64 người) bị khởi tố trong tình trạng đã bị bắt giữ.
Tỷ lệ truy tố tội phạm rình rập cao nhất là ở Ulsan với 72,7% (104/143 trường hợp). Gyeongnam 70.7% (278/393 trường hợp), Jeonbuk 70,6% (74/201 trường hợp) và Gangwon 69,9% (172/246 trường hợp).
Ngoại trừ Seoul, ở tất cả các khu vực khác, tỷ lệ truy tố tội phạm theo dõi bám đuôi đều đạt khoảng 60%.
Cứ 10 trường hợp thì có 1 trường hợp đã không tuân theo các biện pháp ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn tội phạm rình rập. Tổng cộng có 2.753 'biện pháp ứng phó khẩn cấp' đã được ban hành kể từ khi thực thi Đạo luật trừng phạt về tình trạng tội phạm rình rập, với một số quy định bao gồm cấm người bị tố cáo tiếp cận tới khu vực cư trú của nạn nhân trong vòng bán kính 100m, cấm sử dụng các phương tiện viễn thông để liên lạc với nạn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có tới 356 trường hợp (12,9%) không tuân thủ đúng các điều luật.
Nghị sĩ Jang nhấn mạnh "Tuy cùng ở Hàn Quốc và áp dụng bộ luật như nhau tuy nhiên khi ở các khu vực khác nhau với các đội ngũ phụ trách điều tra khác nhau nên tỷ lệ truy tố đối với tội phạm theo dõi bám đuổi vẫn cho thấy sự khác biệt khá lớn. Để phòng tránh trước việc các loại tội phạm tương tự có thể gia tăng, chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan điều tra cần có phản ứng nhất quán và nghiêm khắc hơn nữa đối với những kẻ tội phạm rình rập bám đuôi."