Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã trở về nước sau khi hoàn thành chuyến công du 6 ngày 4 đêm tới Đông Nam Á. Truyền thông Hàn Quốc nhận định, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn tuy nhiên có thể thấy tất cả các cuộc đàm phán bao gồm hội đàm ba bên Hàn-Mỹ-Nhật, hội đàm song phương Hàn Quốc - Nhật Bản, hội đàm song phương Hàn Quốc - Trung Quốc đều được tiến hành suôn sẻ, qua đó có thể đánh giá rằng tất cả các lịch trình trọng tâm liên quan đến lợi ích quốc gia của Hàn Quốc đã được hoàn thành theo kế hoạch.
Từ quan điểm của chính phủ Yoon Suk-yeol, thành tựu lớn nhất sau chuyến công du Đông Nam Á lần này đó là cuộc hội đàm ba bên Hàn-Mỹ-Nhật tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN diễn ra tại Campuchia, 4 năm 9 tháng sau hội đàm Hàn-Mỹ-Nhật tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 6/2021.
Hội đàm ba bên kết thúc sau 15 phút, sau đó một tuyên bố chung dài 5.300 từ đã được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc sự phối hợp và chuẩn bị trước của cả 3 nước đã được thực hiện rất tốt.
Thông qua "Tuyên bố Phnom Penh về quan hệ đối tác ba bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", 3 nhà lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án một loạt hành động khiêu khích tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên và việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, đồng thời tái khẳng định cam kết tăng cường răn đe mở rộng của Mỹ.
Theo đó, có một số dự đoán cho rằng tần suất triển khai các khí tài chiến lược trên bán đảo Triều Tiên chẳng như máy bay ném bom chiến lược B-52 có thể trang bị vũ khí hạt nhân và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ tăng lên đáng kể do các biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, ba nhà lãnh đạo cũng đã quyết định chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa của Triều Tiên trong thời gian thực giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trong thời gian qua, Hàn Quốc và Mỹ đã trao đổi thông tin về tên lửa Triều Tiên trong thời gian thực tuy nhiên vẫn chưa tiến hành trao đổi theo thời gian thực với Nhật Bản. Theo đó, việc trao đổi thông tin về tên lửa của Triều Tiên với Nhật Bản nếu được thực hiện theo thời gian thực sẽ đồng nghĩa với trao đổi thông tin ở cấp độ cao hơn "Hiệp định bảo vệ thông tin quân sự (GSOMIA) được ký giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng 11/2016.
Một thành tựu quan trọng khác là việc kết thúc thành công cuộc đàm phán Hàn-Mỹ. Thực tế, cuộc gặp Hàn-Mỹ đã được phía Hàn Quốc cố gắng tổ chức tại New York, Mỹ vào tháng 9 vừa qua tuy nhiên đã không được tiến hành do lịch trình của Tổng thống Mỹ Joe Biden bị thay đổi.
Cuộc gặp Hàn-Mỹ lần này đã kéo dài hơn 20 phút so với thời gian dự kiến ban đầu (30 phút), chủ yếu giải quyết các vấn đề kinh tế. Tổng thống Yoon cho biết, "Các kênh thảo luận về Đạo luật giảm lạm phát (Inflation Reduction Act·IRA) đang hoạt động rất chặt chẽ. Trước đó, vào tháng 10 vừa qua, thông qua một bức thư cá nhân, Tổng thống Biden đã bày tỏ thiện chí về việc sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề IRA".
Đáp lại, Tổng thống Biden cho biết "Các công ty Hàn Quốc đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ trong các lĩnh vực như ô tô và pin điện. Xem xét những điểm này, kế hoạch thực hiện IRA nên được thảo luận".
Trước đó, trong bức thư tay được gửi vào ngày 4/10 vừa qua, Tổng thống Biden đã đề cập "Tôi nhận thức rõ những lo ngại về IRA. Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ với tinh thần trung thực và cởi mở".
Ngoài ra, hội đàm song phương Hàn-Nhật cũng là một tin vui đối với chính phủ Yoon Suk-yeol vốn đang không ngừng nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật cũng kéo dài hơn 20 phút so với dự kiến, diễn ra trong tổng cộng khoảng 50 phút.
Được biết, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động giữa hai nước cũng đã được đưa ra thảo luận tại cuộc họp. Trong thông cáo báo chí ngay sau cuộc gặp, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Hai nhà lãnh đạo đánh giá rằng các cơ quan ngoại giao đang tích cực trao đổi thông tin về các vấn đề tồn đọng giữa hai nước và đề nghị tiếp tục thảo luận với nhau để có thể nhanh chóng đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt".
Trong bối cảnh các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo được tích cực thúc đẩy, cuộc thảo luận giữa các tổ công tác thực tiễn dự kiến cũng sẽ tăng tốc. Có ý kiến chỉ ra rằng chính phủ Hàn Quốc đã trình bày một số đề xuất với Nhật Bản, chẳng hạn như sử dụng các quỹ hiện có. Tuy nhiên, khó có thể lạc quan về việc Hàn Quốc và Nhật Bản thống nhất một giải pháp chung trong thời gian sắp tới do vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng trong các hạng mục chi tiết.
Ngoài ra, hội đàm Hàn-Trung cũng là một trong những thành tựu ngoài mong đợi, có ý nghĩa rất lớn khi quan hệ giữa 2 nước đang ngày càng có dấu hiệu cách xa nhau. Về mặt địa chính trị, kinh tế và quân sự, Trung Quốc vẫn là quốc gia có liên quan và ở một vị trí quan trọng với Hàn Quốc.
Tổng thống Yoon Suk-yeol và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Bali, Indonesia và có cuộc gặp kéo dài 25 phút. Hội đàm Hàn-Trung lần này đã diễn ra sau 3 năm kể từ tháng 3/2019 dưới thời của chính phủ Moon Jae-in. Trong hội đàm lần này hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận trong việc tăng cường giao tiếp giữa hai quốc gia
"Giờ đây, thế giới đã bước vào một thời kỳ hỗn loạn và biến đổi mới, cộng đồng quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, (hai nước) là những nước láng giềng gần gũi không thể lay chuyển và là những đối tác không thể tách rời. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc để duy trì và phát triển quan hệ Trung-Hàn, tăng cường liên lạc và hợp tác trên các nền tảng đa phương như G20, và cùng nhau tạo ra chủ nghĩa đa phương thực sự, mang lại năng lượng tích cực và ổn định hơn cho thế giới", chủ tịch Tập nhấn mạnh.
Tổng thống Yoon cũng cho biết: "Chúng tôi đã nhất trí mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa Hàn Quốc và Trung Quốc thông qua việc trao đổi thư chúc mừng kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua và cuộc điện đàm vào hồi tháng 3. Chính phủ Hàn Quốc sẽ liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc và hợp tác vì mối quan hệ Hàn-Trung trưởng thành dựa trên sự tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau".
Các vấn đề căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, chẳng hạn như hàng loạt vụ khiêu khích tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, cũng đã được ra thảo luận.
Tổng thống Yoon đề nghị "Gần đây, Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích với tần suất chưa từng có, leo thang các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một quốc gia láng giềng, Trung Quốc nên đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng hơn".
Đáp lời, chủ tịch Tập cho biết "Cả hai nước đều có lợi ích chung về vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Hòa bình phải được bảo vệ và tôi hy vọng rằng Hàn Quốc sẽ tích cực cải thiện quan hệ liên Triều".
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hai nguyên thủ quốc gia đã thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm như phương hướng phát triển quan hệ Hàn-Trung, các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, tình hình khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng sự đối đầu giữa Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Triều Tiên, Trung Quốc, Nga đã trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Yoon cho thấy một con đường ngoại giao có phần nghiêng về phía Mỹ và Nhật Bản hơn trong chuyến công du lần này.
Tuyên bố chung Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản cũng nêu rõ sự đoàn kết với Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cũng như hợp tác trong quá trình thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mỗi nước. Có thể thấy đây là những nội dung có phần đối đầu với Trung Quốc và Nga.