Đời sống Xã hội

Tiền gas·điện·nước tại Hàn Quốc 'rục rịch' tăng ngay từ những ngày đầu năm mới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:54 26-01-2023
Ông Lee (45 tuổi) sống tại Asan (cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam) thuộc tỉnh Chungcheongnam-do đã không thể tin vào mắt mình khi nhận được giấy thông báo thanh toán chi phí quản lý của căn hộ ông đang ở. Đó là bởi vì những con số được in trên giấy thông báo lần này là những con số mà chưa bao giờ ông từng thấy. Ông Lee cho biết "Tôi chưa bao giờ phải thanh toán quá 300.000 won, nhưng khi chi phí sưởi ấm tăng vọt, hóa đơn lần này đã lên tới gần 400.000 won (khoảng 7,62 triệu VNĐ). Lo sợ hóa đơn phải trả trong tháng sau vẫn tiếp tục là những con số trên trời, tôi đành phải bật hệ thống sửa ở mức tối thiểu và mọi người cũng đều phải mặc nhiều lớp quần áo kể cả khi đang ở trong nhà."

Anh Shin (27 tuổi), nhân viên văn phòng sống trong một ngôi nhà chung cư cũ ở Seoul, cũng cảm thấy rõ rệt gánh nặng chi phí sưởi ấm khi thời tiết trở lạnh. Hóa đơn sưởi ấm, vốn là 110.000 won vào tháng 11 năm ngoái, đã tăng vọt lên 160.000 won (khoảng 3,05 triệu VNĐ) vào tháng trước. Anh Shin tâm sự "Tôi là người mới đi làm và bước ra xã hội nhưng khi nhìn thấy hóa đơn sưởi ấm, tôi đã nghĩ: "(Điều này) thật sự điên rồ". Vì gánh nặng chi phí, tôi thường mặc áo choàng ở nhà và chỉ bật sưởi khi có khách đến."

 

Giấy thông báo đóng tiền quản lý của một căn hộ gần 100m2 ở trung tâm thành phố Seoul. Ảnh chụp vào ngày 25/1/2023. [Ảnh=Yonhap News]

Khoảng thời gian gần đây, thời tiết tại Hàn Quốc vô cùng khắc nghiệt với nhiều ngày nhiệt độ giảm sâu xuống dưới -10℃, đi kèm với đó chính là hóa đơn tiền sưởi cao ngất ngưởng. Vấn đề là không chỉ mỗi chi phí sưởi ấm, khi các hóa đơn tiện ích công cộng như tiền gas, điện và nước, vốn đã được giữ nguyên trong một thời gian dài, sẽ bắt đầu tăng lên từ đầu năm nay. Điều này sẽ tiếp tục tạo gánh nặng đối với các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động.

Cú sốc về chi phí sưởi ấm đã được dự báo sớm với việc giá gas dân dụng đã tăng 5,47 won cho mỗi megajoule (MJ) bốn lần vào năm ngoái (tháng 4, tháng 5, tháng 7 và tháng 10). Chi phí nhiệt lượng áp dụng cho các hộ gia đình theo hệ thống sưởi khu vực cũng tăng 37,8 phần trăm trong năm qua.

Gánh nặng chi phí sưởi ấm mà người dân Hàn Quốc phải chịu đã tăng lên đáng kể. Một quan chức của tập đoàn sưởi ấm quận cho biết, "Thông thường vào tháng Giêng, doanh số bán nhiệt lượng là cao nhất do nhu cầu sưởi ấm tăng đáng kể."

Bối cảnh trực tiếp của việc tăng các chi phí liên quan đến khí đốt là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào năm ngoái. Giá khí đốt tự nhiên quốc tế, khoảng 6,1 USD trên 1 triệu Btu (đơn vị nhiệt lượng) vào tháng 3 năm 2021, đã tăng lên 69,3 USD, gấp hơn 10 lần so với tháng 9 năm ngoái. Năm ngoái, nhập khẩu khí đốt vào Hàn Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 56,7 tỷ USD.

Tình trạng vật giá duy trì ở mức cao hơn 5% đã diễn ra hơn nửa năm nay cũng tác động không nhỏ đến các loại chi phí như điện, ga.

Tỷ lệ lạm phát chung năm ngoái là 5,1%, cao nhất trong 24 năm kể từ năm 1998 (7,5%) thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính châu Á.

Trong số đó, giá điện, ga và nước đóng góp 0,41 điểm phần trăm vào tỷ lệ vật giá leo thang.

Năm ngoái, nếu tính riêng điện, gas, nước thì tỷ lệ lạm phát lên tới 12,6%. Nó không chỉ cao hơn đáng kể so với tỷ lệ lạm phát chung là 5,1%, mà còn là mức cao nhất kể từ năm 2010, khi các số liệu thống kê liên quan bắt đầu được tổng hợp.

Và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong việc chi phí năng lượng đồng loạt tăng ngay từ những ngày đầu năm chính là tầng lớp thu nhập thấp.

Điều này là do chi phí sưởi ấm chiếm một phần tương đối lớn trong các khoản tiêu dùng của họ.

Theo khảo sát xu hướng hộ gia đình của Cục Thống kê Quốc gia, quý I/2022 các hộ gia đình thuộc 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất đã chi trung bình 100.288 won (khoảng 1,9 triệu VNĐ)mỗi tháng cho chi phí nhiên liệu, chiếm 11,8% thu nhập khả dụng của họ (847.039 won).

Chi phí nhiên liệu là chi phí phải trả cho việc sưởi ấm và làm mát, nấu ăn bao gồm điện, khí đốt thành phố, nhiên liệu LPG, dầu hỏa và chi phí sưởi ấm căn hộ.

Ngược lại, chi phí nhiên liệu của các hộ gia đình trong nhóm 20% thu nhập cao nhất là 166.915 won, chiếm 2,0% thu nhập khả dụng của họ (8.469.997 won).

Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu của các hộ gia đình trong nhóm phân vị thứ 2 (nhóm xếp ngay trên nhóm có thu nhập thấp) chiếm 5,2%, nhóm phân vị thứ 3 (nhóm trung bình) là 4,0% và nhóm phân vị thứ 4 (nhóm có thu nhập cao thứ 2) là 3,1%. Có thể thấy thu nhập càng thấp thì tỷ trọng chi tiêu cho năng lượng càng lớn.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기