Đời sống Xã hội

Tại sao các ngân hàng ở Hàn Quốc lại chỉ làm việc tới 3h30 chiều?…Bất đồng xoay quanh việc điều chỉnh giờ làm của ngân hàng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)18:07 26-01-2023
Những ngày gần đây tại Hàn Quốc, trong khi giới lao động và cấp quản lý ngành ngân hàng đang thảo luận về việc bình thường hóa giờ làm việc của các cơ sở thì liên đoàn lao động lại đưa ra quan điểm trái ngược hoàn toàn. Cho đến nay, liên đoàn lao động đã phản đối việc bình thường hóa giờ làm việc bằng cách viện dẫn 'nghĩa vụ đeo khẩu trang trong nhà'. Từ ngày 30/1 tới đây, quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà sẽ được dỡ bỏ, tuy nhiên liên đoàn vẫn không cho thấy dấu hiệu sẽ thay đổi lập trường. Điều này đang gây tranh cãi khá gay gắt và khiến dư luận Hàn Quốc phải chú ý vì hầu hết người dân đều cho rằng phía liên đoàn lao động đã không xem xét đến sự bất tiện của các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

 

Vào ngày 24, một thông báo điều chỉnh thời gian làm việc đã được dán ở trước cửa của một ngân hàng ở trung tâm thành phố Seoul. [Ảnh=Yonhap News]


Theo thông tin từ ngành tài chính vào ngày 25, liên đoàn lao động và quản lý trong ngành tài chính đã tích cực đàm phán để đưa ra kết luận cho việc bình thường hóa giờ làm việc (vốn đã bị rút ngắn 1 tiếng sau sự lây lan của Covid-19), từ ngày 18, nhưng vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung.

Trước đây, phía quản lý và lao động đã nhất trí thay đổi giờ làm việc của các ngân hàng ở khu vực đô thị từ 9:00 sáng đến 4:00 chiều thành 9:30 sáng đến 3:30 chiều từ tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 lây lan mạnh và chính phủ Hàn Quốc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4. Sau đó 3 tháng, vào tháng 10 cùng năm, thời gian làm việc này đã được rút ngắn đã được mở rộng cho tất cả các cơ sở ngân hàng trên toàn Hàn Quốc.

Trong các cuộc đàm phán cấp ngành năm ngoái, ban quản lý và giới lao động cũng đã thống nhất nội dung 'thành lập lực lượng đặc nhiệm quản lý lao động chung (TF) để thảo luận về các phương án triển khai thời gian làm việc chẳng hạn như bình thường hóa giờ làm việc (9 giờ sáng đến 4 giờ chiều) hay áp dụng giờ làm việc linh hoạt hoặc thử nghiệm kế hoạch làm việc 4,5 ngày/tuần' để cùng nhau bàn bạc một cách thiện chí. Lực lượng đặc nhiệm đã được ra mắt vào tháng 1/2023.

Dựa trên tư vấn pháp lý từ cơ quan bên ngoài, Hội đồng người dùng ngành tài chính cho biết họ nhắc lại rằng có thể bình thường hóa giờ làm việc ngay cả khi không có thỏa thuận rõ ràng giữa liên đoàn lao động và ban quản lý khi quy định đeo khẩu trang trong nhà được dỡ bỏ. Một quan chức của Hội đồng người dùng cho biết "Từ ngữ của quy trình đàm phán cấp ngành nói rằng lao động và ban quản lý 'bàn bạc' một cách chân thành. Việc phân tích rằng phải có "thỏa thuận" giữa người lao động và ban quan lý thì mới có thể bình thường hóa thời gian làm việc là điều không hợp lý."

Trái lại, Liên đoàn Lao động ngành tài chính vẫn bảo vệ quan điểm rằng việc ban quản lý và các thành viên công đoàn cần đưa ra được một thỏa thuận là điều cần thiết để bình thường hóa giờ làm việc và đề xuất kế hoạch mở rộng thời gian làm việc thêm 30 phút từ 9:30 sáng đến 4:00 chiều.

Trong cùng ngày, ban quản lý ngân hàng đã quyết định gửi công văn khuyến nghị bình thường hóa giờ làm việc (bắt đầu từ ngày 30/1) đến từng cơ sở ngân hàng. Được biết, phía công đoàn cũng đang xem xét các biện pháp đối phó pháp lý như đơn xin lệnh cấm tạm thời.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng sự phản đối vô căn cứ của liên đoàn lao động đang làm trầm trọng thêm sự bất tiện của khách hàng ngân hàng và xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng. Một quan chức của ban quản lý cho biết: "Trước khi dỡ bỏ nghĩa vụ đeo khẩu trang trong nhà, người lao động và ban quản lý vẫn duy trì việc trao đổi ý kiến. Đây (việc bình thường hóa thời gian làm việc của ngân hàng) là một quyết định tự nhiên khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà được dỡ bỏ".

Các cơ quan tài chính cho rằng cần phải bình thường hóa giờ làm việc càng sớm càng tốt. Vào ngày 5, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Kim Joo-hyun cho biết, "Việc khôi phục giờ làm việc của ngân hàng trở lại bình thường là phù hợp với tâm lý và kỳ vọng của công chúng đối với lĩnh vực ngân hàng. Việc bình thường hóa giờ làm việc của ngân hàng có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt giảm bớt những bất tiện trong cuộc sống của người dân mà còn về mặt nâng cao nhận thức về ngành ngân hàng với tư cách là một ngành dịch vụ."

Vào ngày 10, Thống đốc Dịch vụ Giám sát Tài chính Lee Bok-hyun cũng cho biết: "Mặc dù các hoạt động kinh tế của người dân đang được bình thường hóa với việc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên việc giảm giờ làm tại các ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì khiến cho sự bất tiện của cộng đồng ngày càng tăng cao. Chúng ta cần nỗ lực để thời gian làm việc có thể được bình thường hóa càng sớm càng tốt thông qua các cuộc thảo luận tích cực giữa người lao động và ban lãnh đạo tại ngân hàng."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기