Đời sống Xã hội

Mức độ dân chủ của Hàn Quốc xếp 24 trên thế giới…Tụt 8 bậc do văn hóa chính trị nhiều chia rẽ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:18 03-02-2023
Theo bảng xếp hạng mới đây của một cơ quan phân tích quốc tế, mức độ dân chủ của Hàn Quốc năm 2022 đã giảm 8 bậc so với năm trước đó, xếp ở vị trí 24 trên tổng số 167 quốc gia được đánh giá.

 

Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc tại Yeouido (Seoul). [Ảnh=AJU News]

Hãng nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh mới đây vào ngày 1 (theo giờ địa phương) đã phát hành 'Báo cáo chỉ số dân chủ năm 2022' trong đó Hàn Quốc được xếp vào danh sách quốc gia "dân chủ đầy đủ" (full democracy).

Bắt đầu từ năm 2006, EIU đã đánh giá 167 quốc gia theo 5 tiêu chí để tính toán mức độ phát triển nền dân chủ. Theo đó, quốc gia có điểm trên 8 điểm là "dân chủ đầy đủ", điểm từ 6 đến dưới 8 điểm là "dân chủ khiếm khuyết (flawed democracy)", điểm từ 4 đến 6 là "chế độ hỗn hợp dân chủ-chuyên chế (hybrid regime)", và điểm dưới 4 là "chế độ độc tài (authoritarian regime)". 

Trong bảng xếp hạng năm 2022, Hàn Quốc đã đứng ở vị trí thứ 24 trên 167 quốc gia, giảm 8 bậc so với năm 2021. Hàn Quốc nhận được tổng điểm là 8,03/10, thành công giữ được vị trí trong top những quốc gia "dân chủ đầy đủ" trong 3 năm liên tiếp.

Trước đó, vào năm 2020 Hàn Quốc xếp thứ 23 với số điểm 8,01, lần đầu tiên lọt vào top quốc gia có "dân chủ đầy đủ" sau 5 năm nằm trong nhóm các quốc gia có "dân chủ khiếm khuyết". Năm 2021, với tổng số điểm nhận được là 8,16, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 16.

Theo bảng xếp hạng của EIU, Hàn Quốc nhận được ▲ 9,58 điểm cho Quy trình bầu cử và thể chế đa nguyên ▲ 8,57 điểm cho Chức năng của chính phủ ▲ 7,22 điểm cho Tỷ lệ tham gia chính trị ▲ 6,25 điểm cho Văn hóa chính trị ▲ 8,53 điểm cho Quyền tự do cá nhân.

So với năm 2021, điểm đánh giá của tiêu chí "Quyền tự do cá nhân" tăng 0,59 điểm. Trái lại, tiêu chí "Văn hóa chính trị" lại giảm 1,25 điểm, kéo tụt tổng điểm trung bình.

EIU cho biết: "Đối đầu chính trị giữa các đảng phái qua nhiều năm đã gây thiệt hại cho nền dân chủ ở Hàn Quốc. Cách giải thích về chính trị theo tính chất phân chia đối lập đã thu hẹp không gian cho các nỗ lực đàm phán và thỏa hiệp cũng như làm tê liệt việc hoạch định chính sách."

"Các chính trị gia Hàn Quốc dường như dành nhiều năng lượng cho việc lật đổ các chính trị gia đối thủ hơn là tìm kiếm sự đồng thuận và cải thiện cuộc sống của người dân. Điều này đã dẫn đến việc công chúng ngày càng chán nản với nền chính trị dân chủ và mất niềm tin vào các quan chức nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số dân chủ", EIU giải thích thêm.

Cũng trong báo cáo này, thứ hạng của Triều Tiên vẫn giữ nguyên ở vị trí 165 với số điểm là 1,08. Hai quốc gia có điểm số thấp hơn Triều Tiên, xếp ở vị trí cuối bảng là Myanmar (0,74 điểm), nơi chế độ chuyên chế quân sự đang diễn ra sau cuộc đảo chính và Afghanistan (0,32 điểm), nơi nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban lên nắm quyền.

Trong 167 quốc gia được đánh giá có 24 quốc gia (14,4%) có nền "dân chủ đầy đủ", 48 quốc gia (28,7%) có nền "dân chủ khiếm khuyết", 36 quốc gia (21,6%) có "chế độ hỗn hợp dân chủ-chuyên chế" và 59 quốc gia (35,3%) có "chế độ độc tài".

Hầu hết các quốc gia có thứ hạng cao nhất đều nằm ở Bắc Âu. Cụ thể, Na Uy đứng đầu với 9,81 điểm, tiếp theo là New Zealand (9,61 điểm), Iceland (9,52 điểm), Thụy Điển (9,39 điểm), Phần Lan (9,29 điểm), Đan Mạch (9,28 điểm), Thụy Sĩ (9,14 điểm), Ireland (9,13 điểm) và Hà Lan (9 điểm).

Đài Loan (8,99 điểm) là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào top 10 với vị trí thứ 9. Ngoài ra, Nhật Bản (8,33 điểm) đứng thứ 16, tăng 1 bậc so với năm trước. Trung Quốc (1,94 điểm) tụt 8 bậc và đứng ở vị trí thứ 156.

Điểm trung bình của tất cả các quốc gia được khảo sát vào năm 2022 là 5,29 điểm, giữ nguyên mức của năm trước (5,28 điểm), mức thấp nhất mọi thời đại. EIU giải thích rằng hậu quả của việc hạn chế quyền tự do cá nhân ở các quốc gia do đại dịch Covid-19 vẫn còn, và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chỉ số dân chủ. Mặt khác, tỷ lệ dân số thế giới sống dưới chế độ dân chủ là 45,3%. 36,9% được cho là nằm dưới sự cai trị độc tài.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기