Đời sống Xã hội

HYBE "thâu tóm" SM Ent.…Mua lại thành công 14,8% cổ phần từ nhà sáng lập Lee Soo-man

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:56 10-02-2023
HYBE (tiền thân là Big Hit), công ty quản lý của nhóm nhạc nam nổi tiếng toàn cầu BTS, sẽ tiếp quản SM Entertainment, đối thủ cạnh tranh đồng thời là "ông lớn" trong ngành giải trí và đào tạo thần tượng K-pop của Hàn Quốc. Với bước đi này của HYBE, có thể thấy ngành công nghiệp K-pop sắp được chứng kiến một "siêu công ty" giải trí, quản lý hàng loạt nhóm nhạc đình đám như BTS, Seventeen, EXO và NCT.

 

[Ảnh=HYBE/SM Entertainment]

Ngày 10, HYBE đưa ra thông báo về việc công ty này mua lại 14,8% cổ phần do Lee Soo-man, nhà sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất của SM, nắm giữ với số tiền giao dịch là 422,8 tỷ won (khoảng 334,3 triệu USD). Ngày chuyển giao cổ phần dự kiến là 6/3 tới.

Tính đến ngày 30/9/2022, cơ cấu cổ phần của SM là 18,46% do Lee Soo-man nắm giữ, 8,96% của Dịch vụ Hưu trí Quốc gia, 5,12% của KB Asset Management và 67,46% của các cổ đông khác.

Có thể thấy, Lee Soo-man, vốn là cổ đông số một của SM với sở hữu 18,46% cổ phần, tuy nhiên thông qua giao dịch mua lại hơn 80% số cổ phiếu hiện có của Lee Soo-man, HYBE sẽ ngay lập tức trở thành "ông chủ" của SM Entertainment.

Trước đó, vào ngày 7/2 thông qua giao dịch với ban giám đốc của SM, Kakao đã mua lại được 9,05% cổ phần của SM giúp công ty này trở thành cổ đông lớn thứ 2 của SM. Tại thời điểm đó, thông tin này cũng đã gây xôn xao dư luận Hàn Quốc và ngay lập tức nhà sáng lập SM Entertainment thông qua đại diện pháp lý đã tỏ rõ lập trường phản đối việc Kakao trở thành cổ đông lớn thứ hai của SM và thông báo sẽ có các hành động pháp lý.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 3 ngày sau, HYBE đã trở thành nhân tố không ai ngờ đến khiến tình thế thay đổi với thông báo mua lại 14,8% cổ phần của SM Entertainment, đồng nghĩa với việc HYBE chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của SM. 

Trước đó, vào năm 2020 HYBE đã từng đưa ra đề xuất mua lại cổ phần của "cha đẻ" SM Lee Soo-man khi ý định bán lại cổ phần của ông Lee bắt đầu được lan truyền trong ngành. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa HYBE và SM đã không đi đến tiếng nói chung và thương vụ này đã bị hủy bỏ.

HYBE hiện là công ty chủ quản của hàng loạt các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng như BTS, Seventeen, TXT, ENHYPEN, NewJeans và Le Sserafim. SM cũng có một dàn các nhóm nhạc có độ ảnh hưởng như TVXQ, Super Junior, SHINee, EXO, NCT và aespa. Có thể thấy việc HYBE tiếp quản SM sẽ tạo ra tác động vô cùng lớn đến thị trường K-pop.

Tính đến 11 giờ sáng ngày 10/2, vốn hóa thị trường của HYBE và SM lần lượt là khoảng 8,8 nghìn tỷ won (khoảng 6,955 tỷ USD) và 2,7 nghìn tỷ won (khoảng 2,134 tỷ USD). Sau khi hai công ty kết hợp với nhau, vốn hóa sẽ tăng lên thành 11,5 nghìn tỷ won (khoảng 9,089 tỷ USD). Đây là con số áp đảo các đối thủ cạnh tranh là 2,6 nghìn tỷ won của JYP và 1 nghìn tỷ won của YG.

Bình luận về giao dịch này, HYBE cho biết: "Việc mua lại SM sẽ giúp tập hợp năng lực toàn cầu của cả hai công ty vào cùng với nhau. Đây chắc chắn sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong thị trường âm nhạc đại chúng toàn cầu."

SM vốn là công ty đi đầu trong nền âm nhạc K-pop của Hàn Quốc và thiết lập ra hệ thống đào tạo thần tượng (idol) với thế hệ đầu tiên là nhóm nhạc H.O.T góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy 'Hallyu (làn sóng Hàn Quốc)', cũng như vô cùng thành công với việc khai phá thị trường Nhật Bản được chứng minh bằng sự thành công của nữ ca sĩ BOA. Ngược lại, HYBE đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp K-pop được yêu thích trên toàn thế giới với nhóm nhạc "siêu sao" BTS.

HYBE cho biết, "Trước khi ký hợp đồng này, Chủ tịch Bang Si-hyuk, nhà sáng lập kiêm cổ đông lớn nhất của HYBE, đã cùng thảo luận với nhà sáng lập SM Lee Soo-man về mối quan tâm của cả hai tới tương lai của K-pop và đã tìm thấy được sự đồng thuận trong việc cùng nhau tìm ra giải pháp. Một trong số đó chính là giao dịch ký kết chuyển nhượng cổ phiếu lần này."

 

Chủ tịch HYBE Bang Si-hyuk (trái) và nhà sáng lập SM Entertainment Lee Soo-man (phải) [Ảnh=HYBE/SM Entertainment]

Chủ tịch Bang Si-hyuk vô cùng kính trọng nhà sáng lập SM, người đã đưa K-pop trở thành một ngành công nghiệp của Hàn Quốc, phía HYBE thông tin thêm. Công ty cũng nhấn mạnh rằng chủ tịch Bang cũng bày tỏ ý chí hiện thực hóa tầm nhìn toàn cầu mà Lee Soo-man đã vạch ra.

Bang Si-hyuk Chủ tịch HYBE cho biết, "HYBE hoàn toàn đồng ý với định hướng chiến lược của chủ tịch Lee Soo-man, chẳng hạn như hiện thực hóa metaverse, thiết lập hệ thống đa nhãn hiệu (multi labels) và chiến dịch bảo vệ môi trường. Với việc có thêm năng lực của HYBE, chúng tôi sẽ cùng nhau tiếp tục mở rộng vị thế của K-pop trên thị trường toàn cầu."

Cùng với việc tiếp quản SM, HYBE cũng sẽ có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến cơ cấu vận hành của SM.

HYBE cho biết "Chúng tôi đã xác nhận ý chí của chủ tịch Lee trong việc cải thiện cơ cấu quản trị của SM. (HYBE) đương nhiên đã đạt được tính minh bạch trong cơ cấu quản trị với tiêu chuẩn cao nhất thông qua việc quản lý trọng tâm của hội đồng quản trị. Chúng tôi sẽ đóng vai trò tích cực trong quá trình cải thiện cơ cấu quản trị của SM cũng giống như khi dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp với việc vận hành chiến lược đa nhãn hiệu và phát triển nền tảng fandom."

Được biết Lee Soo-man vốn sẽ nhận một phần phí trong ba năm kể từ ngày kết thúc hợp đồng giữa công ty sản xuất cá nhân của mình là Like Planning với SM, tuy nhiên trong quá trình thỏa thuận với HYBE lần này, nhà sáng lập Lee Soo-man đã quyết định sẽ không nhận khoản phí này.

HYBE cho biết, "Đây là một khía cạnh thể hiện ý chí cải thiện cơ cấu quản trị SM của chủ tịch Lee. Chủ tịch Lee cũng đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của các công ty liên quan SM mà chủ tịch Lee nắm giữ ở cấp độ cá nhân cho HYBE và hợp tác toàn diện trong công việc cải thiện cơ cấu quản trị."

Thông qua việc sắp xếp lại cổ phần trong các công ty liên quan với SM, HYBE sẽ đầu tư thêm nguồn lực để cải thiện hệ thống quản trị.

HYBE cũng thông báo rằng họ sẽ chào mua công khai cổ phiếu do các cổ đông thiểu số của SM nắm giữ với giá 120.000 won (khoảng 95 USD) mỗi cổ phiếu, mức giá tương đương với giá mua lại cổ phần của nhà sáng lập Lee Soo-man. Việc huy động vốn cho đề nghị chào mua công khai cũng đã được hoàn tất.

Phía HYBE giải thích, "Chủ tịch Lee Soo-man muốn chia sẻ phí quản lý mà ông ấy sẽ được hưởng với các cổ đông thiểu số. Chúng tôi đã có được tiếng nói chung trong việc tiến hành mua bán cổ phiếu này."

Nhân cơ hội mua lại thành công SM, HYBE muốn hiện thức hóa kế hoạch tạo ra sức mạnh tổng hợp trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh.

Với bối cảnh này, cuộc tranh chấp quyền kinh doanh của SM sẽ trở nên phức tạp hơn với sự đối đầu giữa liên minh Lee Soo-man và HYBE và liên minh ban lãnh đạo hiện tại của SM (bao gồm CEO Lee Sung-soo và CEO Tak Young-jun), Kakao và Align Partners Asset Management. Do đó, mọi sự chú ý của dư luận đều đổ dồn vào cuộc họp cổ đông của SM dự kiến sẽ ​​diễn ra vào tháng 3 tới.

Sáng cùng ngày, thông qua một tuyên bố chung với 25 nhân sự đứng đầu, ban lãnh đạo hiện tại của SM đã công bố lập trường phản đối việc HYBE mua lại SM Entertainment với nội dung "Chúng tôi phản đối tất cả các M&A thù địch."

Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia trong ngành âm nhạc và người hâm mộ K-pop về vấn đề HYBE mua lại SM Entertainment chẳng hạn như "Chúng tôi mong đợi sức mạnh tổng hợp từ nguồn vốn của HYBE và năng lực lên kế hoạch của SM" hoặc "Với sự xuất hiện của "siêu công ty" (khi hai công ty K-pop hàng đầu sáp nhập với nhau), chúng tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn vì có thể sẽ xảy ra tình trạng độc quyền."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기