Đời sống Xã hội

KOICA hỗ trợ rà phá vật liệu nổ tại Việt Nam…Đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng "Làng hoà bình Việt Nam-Hàn Quốc" vào năm 2026

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)18:04 15-02-2023
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đang xúc tiến dự án xây dựng làng hòa bình thông qua các hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại Việt Nam.

 

Bộ đội Việt Nam đang rà phá bom mìn. [Ảnh=QPVN/Yonhap News]

Ngày 12, KOICA thông báo hiện đang hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để triển khai dự án xây dựng "Làng Hòa bình Hàn Quốc - Việt Nam (Korea -Vietnam Peace Village)" đến năm 2026 tại Bình Định, Quảng Ngãi và Huế, ba tỉnh miền Trung nằm trong số những khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất của bom mìn, vật nổ.

Ra mắt vào năm ngoái, dự án ​​này nhằm mục đích thúc đẩy 3 tỉnh, thành phố trên xây dựng đô thị bền vững, cộng đồng hòa bình, thiết lập chế độ, xóa đói giảm nghèo và đạt được an ninh lương thực.

Trong dự án này, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ 25 triệu đô la và phía Việt Nam sẽ hỗ trợ 8 triệu đô la.

KOICA trước tiên sẽ hỗ trợ thiết lập chiến lược và quy trình hành động bom mìn (các hoạt động giúp giảm tác động của bom mìn và vật liệu chưa nổ đến xã hội, kinh tế và môi trường) của chính quyền 3 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi và Huế; đồng thời hỗ trợ khảo sát và giảm thiểu ô nhiễm đất đai theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, KOICA cũng sẽ hỗ trợ cải thiện hệ thống quản lý thông tin Hành động bom mìn tại địa phương và tăng cường các nguồn lực của chính quyền trung ương và địa phương đối với bom mìn, vật liệu chưa nổ và các hoạt động nâng cao nhận thức khác.

Không những thế, KOICA còn hỗ trợ thiết lập các chiến lược giúp đỡ nạn nhân còn sống sót và người khuyết tật do bom mìn trong khu vực; hỗ trợ quản lý danh sách những người sống sót và người khuyết tật bằng phần mềm quản lý thông tin và cung cấp dịch vụ y tế cho nhóm đối tượng này.

KOICA cũng sẽ hỗ trợ đẩy mạnh nguồn lực sản xuất và bán hàng nông sản đối phó với biến đổi khí hậu cho ba địa phương nói trên.

Bên cạnh đó, KOICA cũng sẽ tiến hành thực hiện các dự án như thiết kế và xây dựng nhà ở, trung tâm y tế công cộng có khả năng chống chịu thiên tai như lũ lụt và mưa lớn, thiết lập bản đồ rủi ro.

Ngược lại, phía Việt Nam sẽ lập ra tổ chức chuyên trách dự án, hỗ trợ cho các địa phương này về hành chính, pháp lý để có thể triển khai dự án một cách thuận lợi, hỗ trợ điều tra thực địa và thu thập tài liệu tại hiện trường.

Công tác rà phá bom mìn thực tế do Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) đứng đầu là Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Tư lệnh Công binh phụ trách. Dự án này là dự án liên kết với dự án tăng cường năng lực tổng hợp ứng phó bom mìn và vật liệu chưa nổ của Việt Nam (20 triệu USD), được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2021.

Việt Nam đặt mục tiêu cho tới năm 2025 sẽ loại bỏ 800.000 hecta bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại vì sự an toàn của người dân. Trong đó, có 40,9% diện tích tỉnh Bình Định, 57,1% tỉnh Quảng Ngãi và 34,8% tỉnh Huế hiện vẫn còn bom mìn sót lại.

Một quan chức của KOICA cho biết, "Khu vực mục tiêu của dự án là khu vực còn sót lại rất nhiều bom mìn và vật liệu nổ ở Việt Nam và có tỷ lệ người nghèo rất cao. Sau khi dự án hoàn thành, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp cư dân địa phương tự tìm ra được các giải pháp đổi mới và đạt được sự phát triển bền vững."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기