Kinh tế Chính trị

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhận định công nhận "Nền kinh tế Hàn Quốc đang chậm lại"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)18:08 17-02-2023
Gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã lần đầu tiên đưa ra đánh giá rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với sự suy giảm với nguyên nhân được nhận định là do tình trạng xuất khẩu ì ạch trong bối cảnh giá cao và tâm lý kinh doanh bị thu hẹp.

 

Giám đốc Phân tích Kinh tế Lee Seung-han đang trình bày tóm tắt về các xu hướng kinh tế mới nhất vào tháng 2 năm 2023 tại Khu phức hợp Chính phủ Sejong ở Thành phố Sejong vào ngày sáng ngày 17/2/2023. [Ảnh=Yonhap News]

Trong 'Xu hướng kinh tế gần đây (Sách xanh) số tháng 2' phát hành ngày 17, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cho biết: "Gần đây, nền kinh tế Hàn Quốc đang chậm lại trong bối cảnh giá cả leo thang, tốc độ phục hồi nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều trì trệ, tâm lý kinh doanh cũng liên tục suy yếu."

Đây cũng là lần đầu tiên chẩn đoán "suy giảm kinh tế" được chính phủ Hàn Quốc nhắc đến trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau cú sốc Covid-19.

Trước đó, trong Sách xanh tháng 6/2022 tới nay chính phủ Hàn Quốc đã luôn đề cập đến "lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế". Các chẩn đoán cũng dần trở nên u ám hơn khi trong Sách xanh tháng 1/2023, chính phủ Hàn Quốc đã tăng mức độ lên thành "tăng cường lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế" và cho tới tháng này đã chính thức đưa ra đánh giá "nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại". Điều này đồng nghĩa với việc khẳng định nền kinh tế Hàn Quốc đã thực sự bước vào giai đoạn suy giảm chứ không chỉ còn là những "quan ngại".

Gần đây, nền kinh tế Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý 4 năm ngoái, xuất khẩu cũng èo uột.

Quý IV/2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế giảm 0,4% (số liệu sơ bộ) so với quý trước đó, lần đầu tiên tăng trưởng âm trong 10 quý kể từ quý II/2020 (-3,0%). .

Xuất khẩu trong tháng 1 giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp kể từ tháng 10/2022.

Do xuất khẩu giảm, thâm hụt thương mại tháng 1 cũng ghi nhận mức kỷ lục 12,65 tỷ USD trên cơ sở hàng tháng.

Bộ Chiến lược và Tài chính dự đoán, "Cán cân tài khoản vãng lai trong tháng 1 có thể xấu đi so với tháng trước đó do thâm hụt thương mại mở rộng."

Vào tháng 12 năm ngoái, tài khoản vãng lai ghi nhận thặng dư 2,68 tỷ USD. Cùng thời kỳ, sản lượng chế tạo giảm 3,5% so với tháng trước, cho thấy hậu quả của việc xuất khẩu trì trệ. Sản xuất trong ngành dịch vụ cũng giảm 0,2%, tiếp tục xu hướng giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Kết quả, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (không tính điều chỉnh theo mùa vụ và nông, lâm nghiệp và thủy sản) giảm 1,6% so với tháng trước đó. Đây là mức giảm lớn nhất trong 32 tháng kể từ tháng 4/2020 (-1,8%).

Doanh số bán lẻ tháng 12 năm ngoái phục hồi 1,4% nhờ doanh số bán hàng may mặc mùa đông tăng.

Bộ Chiến lược và Tài chính đã dự đoán vào tháng trước rằng việc giảm doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại và cửa hàng giảm giá sẽ đóng vai trò là một yếu tố tiêu cực đối với doanh số bán lẻ.

Tháng trước, doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại đã giảm 3,7% so với một năm trước, chuyển sang xu hướng giảm. Doanh số tại các cửa hàng giảm giá cũng giảm 2,8%.

Cùng tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước do tăng giá điện, nới rộng mức tăng so với tháng trước (5,0%).

Chỉ số Khảo sát Doanh nghiệp (BSI) của tất cả các ngành, chỉ số cho biết cảm nhận của các công ty về hoạt động kinh doanh, ghi nhận mức 69 vào tháng 1/2023, giảm 5 điểm so với tháng trước đó.

BSI là một thống kê được tính toán dựa trên đánh giá và triển vọng của các doanh nhân đối với tình hình kinh doanh hiện tại và chỉ số này giảm xuống dưới 100 khi có nhiều phản hồi tiêu cực hơn phản hồi tích cực.

Chính phủ cho biết, "Chúng tôi sẽ đáp ứng bằng những nỗ lực toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu và sức sống đầu tư trên quan điểm ổn định giá cả vững chắc và giảm bớt gánh nặng đối với sinh kế của người dân."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기