Đời sống Xã hội

Thanh niên Hàn Quốc và những món nợ "khủng"…Trung bình 1,4 tỷ đồng/người

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:30 28-02-2023
Chi phí sinh hoạt, giá nhà tăng cao và cơn sốt đầu tư đã khiến cho thanh niên Hàn Quốc bị cuốn vào vòng xoáy vay - nợ. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, cứ 4~5 thanh niên Hàn Quốc thì có 1 người mắc nợ với số tiền cao gấp 3 lần thu nhập hàng năm của bản thân họ.

 

Số dư nợ theo từng loại tổ chức cho vay. [Ảnh=Tổng cục thống kê]

Trong 10 năm qua, tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc mắc nợ với số tiền "ngất ngưởng" này đã tăng 2,6 lần. Tính luôn cả những thanh niên không mắc nợ, mỗi người có khoản nợ hơn 80 triệu won và khoản nợ này trung bình cũng đã tăng gấp 2,5 lần trong 10 năm.

Theo báo cáo 'Hiện trạng tài sản dành cho cuộc sống tương lai của những người trẻ tuổi và các biện pháp đối phó' (tác giả (Kwak Yoon-kyung và cộng sự) của Viện nghiên cứu về Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc (KIHASA) vào ngày 27, dựa trên kết quả phân tích khảo sát phúc lợi tài chính hộ gia đình của Cục thống kê quốc gia, khoản nợ trung bình của các hộ gia đình thuộc nhóm người trẻ tuổi (19~39 tuổi) là 84,55 triệu won (khoảng 1,52 tỷ VNĐ) vào năm 2021.

Con số này gấp 2,48 lần so với mức 34,05 triệu won của năm 2012. Số tiền này là nợ tài chính không bao gồm tiền đặt cọc thuê nhà và giá trị trung bình được tính bao gồm cả những người trẻ tuổi không mắc nợ. Nếu chỉ tính riêng cho nhóm đối tượng thanh niên mắc nợ, khoản nợ trung bình lên tới 115,11 triệu won (khoảng 2,1 tỷ VNĐ).

Trong trường hợp tính toán mức độ rủi ro của các khoản nợ bằng việc xem xét tỷ lệ nợ trên thu nhập (Debt To Income·DTI), kết quả cho thấy 21,75% hộ gia đình trẻ tuổi có số tiền nợ chiếm hơn 300% thu nhập, đồng nghĩa với việc mức nợ của những người này cao gấp hơn ba lần thu nhập của họ. Đặc biệt, tỷ lệ này đã tăng đều đặn kể từ năm 2012 (8,37%), cho thấy mức tăng 2,60 lần sau 10 năm.

Dữ liệu cũng cho thấy các hộ gia đình hai người, những hộ gia đình có trẻ em có DTI cao hơn so với các hộ gia đình độc thân và tốc độ gia tăng cũng rất nhanh. Bên cạnh đó, những người thu nhập càng thấp, và khu vực sinh sống ở vùng thủ đô thì mức DTI cũng sẽ càng lớn hơn so với người sống ở khu vực ngoài đô thị.

Ngoài DTI, khi tỷ lệ khả năng trả nợ (Debt Service Ratio·DSR) trên 30% so với thu nhập, tỷ lệ nợ trên tài sản (Debt To Assets·DTA) là 300% trở lên thì đều được coi là tình trạng nguy hiểm. Cụ thể, lệ hộ gia đình trẻ có DSR từ 30% trở lên đã tăng 10 điểm phần trăm từ 15,74% năm 2012 lên 25,78% vào năm 2021 và tỷ lệ có DTA từ 300% trở lên cũng tăng từ 11,77% năm 2012 lên 16,72%. vào năm 2021.

Trường hợp cả 3 tỷ lệ này đều vượt ngưỡng an toàn là 2,79% vào năm 2012 nhưng đã tăng lên 4,77% vào năm 2021.

Báo cáo cho biết việc khoản nợ của thanh niên gia tăng nhanh chóng có liên quan đến tình hình giá nhà tăng đột biến, khó khăn trong việc chuẩn bị nhà ở ngày càng trầm trọng, và cơn sốt đầu tư bất động sản.

Trong số nợ trung bình là 84,55 triệu won, có 66,49 triệu won, tương đương 79%, là khoản vay thế chấp từ tổ chức tài chính và 13,42 triệu won còn lại là khoản vay tín dụng từ các tổ chức tài chính (bao gồm cả khoản vay giới hạn). Trong 10 năm qua, các khoản vay thế chấp đã tăng 2,6 lần và các khoản vay tín dụng đã tăng 2,0 lần.

Xét theo mục đích sử dụng, nợ đối với nhà ở là 58,2 triệu won, tương đương 69%; nợ cho kinh doanh và đầu tư là 13,98 triệu won. Trong 10 năm qua, tỷ lệ vay nợ để mua nhà tăng 2,9 lần, vay nowk để kinh doanh và đầu tư tăng 1,6 lần.

Báo cáo cũng chỉ ra "Vay nợ để mua nhà chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng nợ để đầu tư bất động sản hoặc tài sản tài chính, không phải cho mục đích mua nhà để ở cũng đang gia tăng đáng kể. Những người vay nợ để mua bất động sản và tài sản tài chính rất có thể sẽ rơi vào nhóm yếu thế trong xã hội trong tương lai do tài sản giảm và số tiền nợ tăng."

Báo cáo đã đề xuất một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro mà thanh niên gặp phải bao gồm ▲Triển khai dự án Phiếu chăm sóc sức khỏe tài chính cho thanh niên ▲Tăng cường quản lý các trường hợp liên quan đến hình thành tài sản của thanh niên ▲Hình thành chương trình giáo dục tài chính chính chính quy trong trường học để ngăn chặn rủi ro phát sinh nợ và nâng cao khả năng hiểu biết tài chính ▲Cung cấp chương trình hỗ trợ cho thanh niên gặp khó khăn do nợ nần có thể tự lập ▲Mở rộng các ưu đãi như chuẩn bị nhà cho các cặp vợ chồng mới cưới lần đầu tiên ▲Nâng cao nhận thức về nợ và hệ thống cơ cấu lại nợ ▲Củng cố mạng lưới an sinh xã hội.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기