VIỆT NAM

Việt Nam 'sắp xếp lại giang sơn'…Vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp·Chỉ còn 34 tỉnh/thành sau sáp nhập

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)08:45 03-07-2025
Ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường. Đồng thời, tất cả 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới (giảm 29 đơn vị so với trước) cũng chính thức đi vào hoạt động. 
 
ẢnhVGP
[Ảnh=VGP]
Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, bước đột phá lớn trong cải cách hành chính, là tiền đề quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân - hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Trước đó, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương hai cấp. Cả nước sắp xếp lại còn 34 tỉnh, thành phố và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và xã. Đây là một trong những quyết sách mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa chiến lược lâu dài để mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với bối cảnh Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính mở ra một không gian phát triển rộng lớn và đầy triển vọng cho từng vùng, từng địa phương và cho cả quốc gia. Khi bộ máy hành chính được tổ chức lại một cách tinh gọn, đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, công tác quản lý nhà nước sẽ được nâng cao, các tầng nấc trung gian được rút ngắn đồng nghĩa với việc các quyết sách, chính sách sẽ đến gần hơn với người dân, phản ánh đúng hơn những yêu cầu, mong muốn từ thực tiễn đời sống.

Từ đó, hiệu quả phục vụ của chính quyền địa phương được tăng cường, niềm tin của người dân đối với Nhà nước ngày càng được củng cố. 
 
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi ẢnhCổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). [Ảnh=Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam]
Ngày 30/6/2025, 34 tỉnh, thành phố đã đồng thời làm Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu.

Phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Đây không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng "Việt Nam hùng cường vào năm 2045"".

Tại Lễ công bố nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; các quyết định của Thành phố Hà Nội về việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch nước Lương Cường cũng nhấn mạnh: "Đây là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng một nền hành chính tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một bước đi có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, tổ chức và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기