Kinh tế Chính trị

GDP quý I/2023 của Hàn Quốc tăng trưởng 0,3% nhờ cải thiện trong tiêu dùng tư nhân

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:40 25-04-2023
Được thúc đẩy bởi lĩnh vực tiêu dùng tư nhân nhờ ảnh hưởng tích cực của việc dỡ bỏ nghĩa vụ đeo khẩu trang trong nhà và sự gia tăng du lịch nước ngoài, kinh tế Hàn Quốc trong quý đầu năm nay đã thoát khỏi bẫy tăng trưởng âm của quý IV/2022 và đạt mức tăng trưởng 0,3%, cao hơn kỳ vọng của thị trường.

 

Shin Seung-cheol, Cục trưởng Cục Thống kê Kinh tế của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc trình bày thông tin về tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong quý I/2023 vào sáng 25/4/2023. [Ảnh=Yonhap News]

Ngày 25, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2023 của Hàn Quốc đã tăng 0,3%.

Trước đó, tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã tăng trưởng âm hai lần liên tiếp vào quý I/2020 (-1,3%) và quý II/2020 (-3%) sau đó phục hồi trở lại bắt đầu từ quý III/2020 và duy trì 9 quý liên tiếp cho đến quý III/2022 giữ mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, do xuất khẩu giảm mạnh nên quý IV năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc đã bất ngờ ghi nhận tăng trưởng âm 0,4%.

Được hưởng lợi nhờ tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, kinh tế Hàn Quốc đã thoát được đà tăng trưởng âm trong quý trước.

Cụ thể, từ góc độ của các lĩnh vực khác nhau, mức tiêu dùng của người dân như giải trí, văn hóa, ăn uống và lưu trú đã tăng 0,5% trong quý I. BoK cho biết do việc dỡ bỏ nghĩa vụ đeo khẩu trang trong nhà, các hoạt động ngoại tuyến như biểu diễn du lịch được nối lại đã tác động tích cực đến lĩnh vực tiêu dùng tư nhân.

Đầu tư xây dựng và tiêu dùng của chính phủ lần lượt tăng 0,2% và 0,1%, đầu tư thiết bị bán dẫn giảm dẫn đến đầu tư thiết bị tổng thể giảm 4%, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 3,8% và 3,5%.

Tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng hộ gia đình vào tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I là 0,3 điểm phần trăm, cho thấy tiêu dùng hộ gia đình đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, xuất khẩu ròng làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP 0,1 điểm phần trăm. Có thể thấy thâm hụt cán cân thương mại gần đây
đã tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Từ góc độ của các ngành công nghiệp khác nhau, thiết bị vận tải, kim loại thô và các ngành sản xuất khác đạt mức tăng trưởng 2,6%, ngành xây dựng tăng 1,8%. Tuy nhiên ngành bán buôn, bán lẻ, ăn uống và lưu trú giảm 1,3%, ngành vận tải giảm 3,1%; các ngành điện, khí đốt, nước và nông lâm ngư nghiệp giảm lần lượt là 2% và 2,5%.

Tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDI) thực tế trong quý I là 0,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, chủ yếu do giá các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như dầu thô và khí thiên nhiên giảm mạnh hơn so với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm chất bán dẫn.

Mặc dù tăng trưởng tích cực được ghi nhận trong quý đầu tiên, nhưng BoK cũng ám chỉ về việc có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Hàn Quốc. 

Shin Seung-cheol Cục trưởng Cục Thống kê Kinh tế tại Ngân hàng Hàn Quốc cho biết "Hiện tại, có khả năng cao là dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ được điều chỉnh giảm nhẹ do những bất ổn về thời điểm phục hồi của nền kinh tế CNTT và tác động chậm trễ của việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, dự kiến ​​tình trạng trì trệ trong CNTT sẽ giảm bớt trong 6 tháng cuối năm cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động đến nền kinh tế Hàn Quốc".

Về các biến số chính có thể gây ảnh hưởng tới tăng trưởng trong quý II tới, Cục trưởng Shin cho biết, "Việc bình thường hóa các hoạt động đối ngoại và gia tăng du lịch nước ngoài sẽ có tác động tích cực đến tiêu dùng cá nhân, nhưng xuất khẩu thông quan cho đến ngày 20 tháng này vẫn đang duy trì mức âm. Các điểm cần theo dõi là nhu cầu giao dịch nhà ở gia tăng do bãi bỏ quy định về bất động sản sẽ có tác động tích cực đến đầu tư xây dựng ở mức độ nào và việc chính phủ thực hiện sớm ngân sách trong nửa đầu năm sẽ đóng góp bao nhiêu vào tốc độ tăng trưởng".

Liên quan đến triển vọng của thị trường bán dẫn, Cục trưởng Shin cũng đưa ra dự đoán rằng "Samsung Electronics chắc chắn sẽ cắt giảm sản lượng vì lượng hàng tồn kho bán dẫn hiện đang ở mức cao. Về cơ bản, nhu cầu tiềm năng đối với chất bán dẫn vẫn còn nhiều nên nền kinh tế CNTT, trong đó có chất bán dẫn, cũng sẽ chuyển sang xu hướng phục hồi".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기