Đời sống Xã hội

Chỉ số tự do báo chí của Hàn Quốc tụt 4 bậc, xếp thứ 47 thế giới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:43 04-05-2023
Trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans frontières·RSF) công bố, Hàn Quốc đã tụt bốn bậc xuống vị trí thứ 47 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng.

 

Bản đồ Chỉ số Tự do báo chí thế giới năm 2023. [Ảnh=RSF]

Theo báo cáo 'Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2023' do RSF, có trụ sở chính tại Paris, Pháp, công bố vào ngày 3 (theo giờ địa phương), quyền tự do báo chí của Hàn Quốc được xếp thứ 47, tụt 4 bậc so với thứ hạng 43 của năm ngoái. 

Trong đó RSF đánh giá môi trường tự do ngôn luận của 180 quốc gia trên thế giới và phân loại theo mức độ 'tốt', 'khá', 'có vấn đề', 'tệ' và 'rất tệ'.

Hàn Quốc được đánh giá thuộc nhóm "khá" cùng với Mỹ, Canada, Úc, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Đánh giá chung về môi trường tự do báo chí của Hàn Quốc, RSF cho biết: "Hàn Quốc, quốc gia dẫn đầu về công nghệ truyền thông, là một nền dân chủ tự do tôn trọng quyền tự do ngôn luận và đa nguyên. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các nhà báo không thể thực hiện đúng vai trò giám sát do ảnh hưởng từ truyền thống và lợi ích của doanh nghiệp".

"Mặc dù luật tự do thông tin của Hàn Quốc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng về mặt lý thuyết, tội phỉ báng vẫn có thể bị phạt tới 7 năm tù. Khi các hãng tin đưa tin, có thể xảy ra việc bỏ qua các chi tiết chính như tên của cá nhân hoặc doanh nghiệp", RSF nhận xét trong báo cáo.

Liên quan đến điều kiện kinh tế mà phương tiện truyền thông phải đối mặt, RSF đưa ra phân tích "Các phóng viên Hàn Quốc đang hưởng lợi từ môi trường biên tập tương đối độc lập nhưng lợi nhuận của công ty phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo và quảng cáo có thể ảnh hưởng đến quá trình biên tập. Các tổ chức tin tức của Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ các chính trị gia, quan chức chính phủ và các tập đoàn lớn".

Các nhà báo Hàn Quốc cũng chỉ trích rằng "Đôi khi chúng tôi trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Tuy nhiên có rất ít hoặc không có sự bảo vệ nào cho chúng tôi để chống lại việc đó".

 

[Ảnh=RSF]

Na Uy đã đứng đầu danh sách trong bảy năm liên tiếp. Tuy nhiên, RSF giải thích rằng do phương pháp nghiên cứu đã thay đổi từ năm ngoái nên cần phải cẩn thận khi so sánh với dữ liệu trong quá khứ. Ireland đã tăng 4 bậc so với năm ngoái để xếp ở vị trí thứ hai. Vị trí thứ ba là Đan Mạch.

Mặt khác, ba quốc gia đứng cuối bảng lần lượt là Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên. Trong đó Triều Tiên vẫn đứng cuối bảng giống như năm ngoái, Trung Quốc vốn xếp thứ 175 vào năm ngoái, đã tụt bốn bậc xuống thứ 179.

RSF mô tả Triều Tiên, nơi có tự do báo chí tồi tệ nhất thế giới, là "một trong những chế độ độc đoán nhất thế giới, cấm hoạt động báo chí độc lập dựa trên sự kiểm soát thông tin nghiêm ngặt. (Triều Tiên) là một ví dụ về việc chế độ chà đạp lên quyền tự do báo chí một cách có hệ thống".

Christophe Deloire, Tổng Giám đốc của RSF cho biết: "Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới đang cho thấy sự biến động to lớn trong tình hình tự do báo chí. Trong đó, sự gia tăng công kích của các cơ quan chính phủ ở nhiều quốc gia và sự thù địch với các nhà báo trên các phương tiện truyền thông xã hội và ngoại tuyến ngày càng lớn là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn này. Thêm vào đó là sự phát triển của 'ngành công nghiệp nội dung giả mạo' cũng khiến tình hình tự do báo chí ngày càng phức tạp hơn".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기