Đời sống Xã hội

Chi phí ăn ngoài tăng chóng mặt, dân văn phòng Hàn Quốc lựa chọn cơm hộp đóng gói cho bữa trưa

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:49 22-05-2023
Với giá cả của hầu hết các mặt hàng đều tăng vọt, gánh nặng chi phí cho bữa trưa hàng ngày ngày càng đè lên vai của dân công sở tại Hàn Quốc. Theo đó, số lượng người lao động tìm đến cơm đóng hộp chế biến sẵn cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng.

 

Khu vực bán đồ ăn đóng gói chế biến sẵn tại một cửa hàng tiện lợi ở thủ đô Seoul. [Ảnh=Yonhap News]

Thương hiệu nhượng quyền thương mại cơm hộp lớn nhất Hàn Quốc, 'Hansot (tiếng Hàn: 한솥)' đã thông báo vào ngày 22 rằng số lượng đơn đặt hàng cơm hộp theo số lượng lớn gần đây đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hansot, số lượng đơn đặt hàng tính từ ngày 1~15/5 đã tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Han Sot giải thích rằng đây là số liệu cho các đơn hàng từ 100.000 won tương đương 1,8 triệu VNĐ (khoảng 20 hộp cơm trở lên) trở lên/đơn hàng; mức tăng có thể còn lớn hơn khi tính cả các đơn hàng nhỏ dưới 100.000 won và đơn hàng gia đình.

Trong cùng thời gian, mức tăng của tổng đơn đặt hàng hộp cơm trưa ghi nhận 16% so với năm 2022. Trong đó, tỷ lệ đơn đặt hàng theo số lượng lớn trên tổng đơn đặt hàng cũng tăng 4%, từ mức 31% năm 2022 lên 35% năm 2023.

Hansot trích dẫn thực tế rằng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sự chú ý sang các hộp cơm trưa chế biến sẵn với giá hợp lý như một giải pháp thay thế trong bối cảnh giá tiêu dùng và giá ăn ngoài tăng cao. Hansot được người tiêu dùng ưa chuộng với chất lượng món ăn phù hợp với khẩu vị, đặc biệt là chi phí vô cùng hợp túi tiền khi 60% thực đơn có giá dưới 6.000 won (khoảng 110 nghìn VNĐ).

Một quan chức của của Hansot cho biết: "Chúng tôi rất biết ơn vì người tiêu dùng đã tiếp tục ủng hộ và quan tâm đến Hansot. Để đền đáp sự ủng hộ của khách hàng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đồng hành cùng người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng chi phí bằng những hộp cơm trưa đa dạng với giá cả phải chăng".

Theo Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc, chỉ số giá ăn uống trong tháng trước là 117,15p, ghi nhận xu hướng tăng trưởng trong tháng thứ 29 liên tiếp kể từ tháng 12/2020, tạo gánh nặng không nhỏ cho người tiêu dùng.

Tại các cửa hàng tiện lợi, doanh số bán cơm hộp cũng tăng trưởng nổi bật.

Trước đó vào ngày 18, CU cũng đã thông báo kết quả phân tích xu hướng bán hàng của thực phẩm tiện lợi trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều (giờ ăn trưa), mặt hàng "cơm hộp" đã vươn lên dẫn đầu về doanh số bán hàng.

Nhìn vào tỷ trọng doanh thu sản phẩm trong giờ ăn trưa, cơm hộp chiếm cao nhất với 29,6%, tiếp theo là cơm cuộn (gimbap) với 23,6%, gimbap tam giác với 21,6%, rau trộn (salad) với 13,3%, bánh mì sandwich với 9,8% và bánh hamburger với 2,1%.

Với GS25, chuỗi cửa hàng tiện lợi này đã hợp tác với nữ diễn viên Kim Hye-ja để tái khởi động dự án 'Kim Hye-ja Lunch Box (tạm dịch: Cơm hộp của Kim Hye-ja)' vào đầu năm nay. Hộp cơm trưa "giá rẻ" này đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của người tiêu dùng, bán ra được 3 triệu hộp chỉ trong hai tháng sau khi ra mắt lại vào giữa tháng 2 và trong 3 tuần gần đây đã bán được thêm 1 triệu hộp.

Mặt khác, cũng có ý kiến phân tích rằng xu hướng này được thúc đẩy nhờ nhu cầu cho các hoạt động ngoài trời như cắm trại, dã ngoại liên tục tăng trong tháng 5, tháng của gia đình tại Hàn Quốc, cũng như ảnh hưởng tích cực từ thời tiết ấm áp và nghĩa vụ đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기