Đời sống Xã hội

Năng lực cạnh tranh quốc gia của Hàn Quốc đứng thứ 28 trên thế giới…Tụt 1 bậc so với năm ngoái

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:26 20-06-2023
Hàn Quốc xếp thứ 28, giảm một bậc so với năm trước, trong bảng xếp hạng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia do Trường Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) ở Thụy Sĩ thực hiện. Trong đó thứ hạng của lĩnh vực 'thành quả kinh tế' tăng đáng kể bất chấp điều kiện kinh tế trong và ngoài nước đối mặt nhiều khó khăn, tuy nhiên do lĩnh vực 'hiệu quả của chính phủ' được đánh giá khá thấp đã ảnh hưởng tới xếp hạng chung của Hàn Quốc.

 

Xu hướng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia trong 4 lĩnh vực (hành quả kinh tế, hiệu quả của chính phủ, hiệu quả của doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng) qua các năm của Hàn Quốc do IMD đánh giá. [Ảnh=Bộ Chiến lược và Tài chính]

Theo Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOEF), IMD đã công bố kết quả 'Đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023' vào ngày 20, trong đó dựa trên các chỉ số thống kê và khảo sát chính vào năm ngoái và năm trước đó (2022 và 2021) năng lực cạnh tranh quốc gia của Hàn Quốc được xếp ở thứ 28 trong tổng số 64 quốc gia được đánh giá. Đây là một thứ hạng giảm so với năm ngoái (thứ 27), và là năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận thứ hạng sụt giảm sau đạt được vị trí thứ 23 vào năm 2020.

Xét trong số 14 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 7, cũng giảm 1 bậc so với năm ngoái (thứ 6).

Mặt khác, Malaysia, quốc gia vốn xếp thứ 32, đã tăng vọt 5 bậc và xếp ngay trên Hàn Quốc ở vị trí 27 trong bảng đánh giá chung.

Xét trong số các nước thuộc 'Câu lạc bộ 30-50' (thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD, dân số trên 50 triệu), Hàn Quốc xếp thứ 3 sau Mỹ (thứ 9 trong BXH chung) và Đức (thứ 22 trong BXH chung).

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của IMD, được công bố từ năm 1989, đánh giá và xếp hạng 20 hạng mục chi tiết trong bốn lĩnh vực lớn bao gồm thành quả kinh tế, hiệu quả của chính phủ, hiệu quả của doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng. Lưu ý là số quốc gia được khảo sát thay đổi mỗi năm.

Cụ thể, hiệu quả của chính phủ Hàn Quốc đã tụt 2 bậc từ vị trí 36 xuống 38. Các hạng mục chi tiết như tài chính (thứ 32 → 40), điều kiện kinh doanh (thứ 48 → 53), điều kiện thể chế (thứ 31 → 33) đều giảm so với năm 2022. Đặc biệt, trong hạng mục tài chính, thứ hạng của các chỉ số chính như cán cân tài khóa so với GDP và tốc độ tăng nợ thực tế nói chung của chính phủ Hàn Quốc đều ghi nhận sự tụt lùi. Các chuyên gia phân tích rằng thâm hụt ngân sách gia tăng và tình trạng nợ quốc gia trở nên xấu đi trong năm ngoái đã có tác động đến thứ hạng. Ổn định tỷ giá hối đoái, một mục phụ trong điều kiện thể chế, cũng giảm mạnh từ vị trí thứ 3 xuống thứ 45.

Yun In-dae, người đứng đầu Cục Chính sách Kinh tế tại MOEF cho biết: "Do sự thắt chặt tiền tệ toàn cầu, sự biến động của tỷ giá hối đoái trong nửa cuối năm ngoái đã tăng lên đáng kể khiến thứ hạng của hạng mục ổn định tỷ giá hối đoái đã giảm mạnh".

Trái lại, lĩnh vực thành quả kinh tế của Hàn Quốc tăng mạnh từ thứ 22 lên thứ 14, ghi nhận thứ hạng cao nhất từ ​​trước đến nay. Ngoại trừ thương mại quốc tế (12↓) tụt hạng, kinh tế trong nước (1↑), đầu tư quốc tế (5↑), việc làm (2↑) và giá cả (8↑) đều ghi nhận tăng hạng.

2 lĩnh vực lớn còn lại là hiệu quả doanh nghiệp (thứ 33) và cơ sở hạ tầng (thứ 16) của Hàn Quốc có vị trí không thay đổi so với năm 2022. Trong lĩnh vực hiệu quả doanh nghiệp, ngoài hạng mục năng suất (5↓) và tài chính (13↓) tụt hạng thì thị trường lao động (3↑), thực tiễn kinh doanh (3↑) và thái độ/giá trị (5↑) lại tăng. Trong lĩnh vực cơ sở thì hạ tầng cơ bản (7↓) và hạ tầng công nghệ (4↓) giảm nhưng hạ tầng khoa học (1↑), môi trường y tế (2↑) và giáo dục (3↑) lại tăng.

Jeong Gyu-sam, người đứng đầu bộ phận chính sách vĩ mô của MOEF cho biết: "Vì thứ hạng hiệu quả của chính phủ đang có xu hướng giảm, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo môi trường tài chính lành mạnh bao gồm lập pháp hóa các quy tắc tài chính. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc cải thiện sức chịu đựng cơ bản của nền kinh tế thông qua các nhiệm vụ trung và dài hạn như cải cách cơ cấu."

"Với kết quả đánh giá của IMD như một cơ hội, chính phủ có kế hoạch nâng cao hiệu quả của chính phủ thông qua các nỗ lực tài khóa hợp lý như luật hóa các quy tắc tài khóa và thúc đẩy đổi mới công. Đồng thời, chúng tôi sẽ thực hiện các nỗ lực chính sách để cải thiện hiến pháp chung của nền kinh tế và nâng cao năng suất, chẳng hạn như ba cải cách cơ cấu và quy định lớn.

Mặt khác, Đan Mạch tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia IMD năm nay. Ireland (thứ 11 → 2), Hà Lan (thứ 6 → 5) và Đài Loan (thứ 7 → 6) đều đồng loạt tăng hạng và lọt vào top 10. Thụy Sĩ, quốc gia vốn đứng thứ 2 vào năm ngoái, đã tụt xuống vị trí thứ 3 còn Phần Lan, lần đầu tiên xuất hiện trong top 10 vào năm ngoái, lại rơi khỏi top 10 và xếp ở vị trí thứ 11.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기