Đời sống Xã hội

Các hộ gia đình có thu nhập càng cao thì chi tiêu cho con cái đến các lớp học thêm ngoài giờ càng nhiều

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:26 05-07-2023
Tại Việt Nam, các chi phí dành cho việc học thêm ngoài giờ thường tiêu tốn một số tiền không nhỏ, đôi khi còn cao hơn gấp nhiều lần so với học phí chính quy. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hàn Quốc, đặc biệt mức chi tiêu cho các trung tâm học thêm ngoài giờ, các lớp ngoại khóa đang có xu hướng ngày một tăng; các gia đình có thu nhập càng cao thì số tiền chi cho khoản này lại càng lớn.

 
Ảnh minh họa ẢnhYonhap News
Ảnh minh họa [Ảnh=Yonhap News]
Gần đây, khi vấn đề về "câu hỏi sát thủ (killer question)" trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Hàn Quốc tiếp tục gây tranh cãi, thì nhiều người cũng tò mò về số tiền mà các gia đình bỏ ra cho con cái để theo học tại các trung tâm dạy thêm (hagwon) hay các lớp học thêm ngoài giờ học.

"Câu hỏi sát thủ" thường là những câu hỏi đòi hỏi kết hợp nhiều khái niệm toán học hay yêu cầu phân tích những trích đoạn văn học khó hiểu, hàn lâm mà phần lớn học sinh khó có thể trả lời được. Theo đó, để có thể lấy điểm ở những câu hỏi này học sinh Hàn Quốc sẽ phải theo học tại các hagwon sau giờ học chính quy ở trường.

Theo kết quả phân tích của Shinhan Card vào ngày 5 dựa trên doanh thu của các trung tâm dạy thêm là thành viên của Shinhan Card và ước tính quy mô thu nhập của các chủ thẻ cho thấy tính riêng trong quý II năm nay, chi phí dành cho các trung tâm dạy thêm của 1 người trong nhóm khách hàng có thu nhập trong top 20% cao nhất đã tăng 29% so với năm 2019.

Phân tích cũng cho chi tiêu bình quân đầu người cho các cơ sở dạy thêm đều đồng loạt tăng so với bốn năm trước bất kể mức thu nhập. Mặc dù tốc độ tăng rõ rệt hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập cao, hay nói cách khác các hộ gia đình có thu nhập càng cao thì số tiền chi tiêu cho các hagwon càng lớn.

Cụ thể, chi phí học ngoại khóa được chi trả bởi những khách hàng nằm trong nhóm có thu nhập bằng 20%~40% thu nhập cao nhất đã tăng 20,3% so với năm 2019. Theo sau là nhóm khách hàng có thu nhập nằm trong top 60% đến 80% thu nhập cao nhất với mức tăng 19,3%; top 40%~60% tăng 17,7%; top 80~100% tăng 15,8%.

Nhìn chung, tổng số tiền chi cho các hagwon của tất cả các nhóm khách hàng đã tăng 25,8% so với năm 2019.

Có thể thấy, nhờ tâm lý không ngại chi tiền cho con theo học ở các trung tâm của đa số phụ huynh, ngành công nghiệp hagwon ở Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2022, người Hàn Quốc đã chi gần 20 tỷ đô la cho việc luyện thi. Con số này gần bằng GDP của các quốc gia như Haiti (21 tỷ USD) và Iceland (25 tỷ USD).

Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho trong một cuộc họp báo ngày 3/7 cũng đã cho biết "Năm ngoái, trung bình học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chi 311 USD mỗi tháng cho học thêm, con số cao nhất từ khi số liệu về học thêm bắt đầu được ghi nhận vào năm 2007".

Nhìn vào thị trường hagwon, có thể thấy tỷ lệ khách hàng có mức thu nhập cao tiếp tục là nguồn thu chính của các trung tâm dạy thêm. Năm 2019, tỷ lệ khách hàng thuộc top 30% thu nhập cao nhất chiếm 51,5% thị trường hagwon và tiếp tục xu hướng tăng, với 56,8% vào năm 2021 và 57,6% vào năm 2022.

Thời gian gần đây, các cơ sở giáo dục dạy kèm tại nhà hoặc hagwon dành riêng cho các em bé dưới 3 tuổi đang ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc, đặc biệt là các trường mầm non đắt tiền cung cấp chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ.

Theo dữ liệu do Min Hyeong-bae thành viên Ủy ban Giáo dục Quốc hội đệ trình lên Bộ Giáo dục, tính đến cuối tháng 6/2022, trong số 745 trung tâm dạy thêm tiếng Anh dành cho trẻ nhỏ có tới 407 hagwon có học phí hàng tháng là 1~2 triệu won (khoảng 18~36 triệu VNĐ), 34 hagwon có học phí từ 2~3 triệu won (khoảng 36~55 triệu VNĐ) và 2 hagwon có học phí hơn 3 triệu won.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기