Theo dữ liệu từ một báo cáo gần đây, số lượng bệnh nhân béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Hàn Quốc tăng lên trong đại dịch Covid-19 vẫn đang duy trì ở mức cao. Đáng chú ý, số học sinh THCS được chẩn đoán là béo phì đã tăng gấp 3 lần so với 4 năm trước.
Theo 'Hiện trạng béo phì và điều trị bệnh mãn tính ở trẻ em và thanh thiếu niên' do Tập đoàn Bảo hiểm Y tế Quốc gia thực hiện, số học sinh trung học cơ sở (từ 13~15 tuổi) được điều trị béo phì tại Hàn Quốc trong năm 2022 là 951 người, tăng 3,13 lần so với năm 2018 (304 người).
Số học sinh trung học cơ sở bị béo phì tăng đáng kể lên 1.304 người vào năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tuy đã ghi nhận giảm khoảng 27% vào năm ngoái (951), nhưng mức độ vẫn tương đối cao so với 4 năm trước.
So với năm 2018, trong năm 2022 số bệnh nhân béo phì ở học sinh lớp 2 lớp 3 (từ 7~9 tuổi) tăng 1,73 lần, trong khi số bệnh nhân béo phì ở học sinh lớp 4~6 (từ 10 đến 12 tuổi) tăng 2,37 lần và ở học sinh THPT (từ 16~18 tuổi) tăng 2,25 lần
Số học sinh tiểu học lớp 4~6 được điều trị bệnh tiểu đường (loại 2) tăng 1,6 lần từ 473 người vào năm 2018 lên 757 người năm 2022. Số học sinh trung học cơ sở cũng tăng 1,7 lần từ 1.143 lên 1.932.
Trong cùng thời kỳ, số bệnh nhân mắc chứng rối loạn lipid máu, gây ra mức cholesterol bất thường, tăng gấp 1,8 lần ở học sinh tiểu học lớp 2~3, ghi nhận 1.285 người so với mức 719 người; ở học sinh trung học cơ sở cũng tăng 1,9 lần từ 2.967 lên 5.558.
Nghị sĩ Shin Hyun-young của Đảng Dân chủ Hàn Quốc, thành viên Ủy ban Phúc lợi và Y tế của Quốc hội cho biết: "Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên không chỉ là béo phì mà còn có thể dẫn đến các bệnh mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao. Trong thời gian dịch Covid-19 lây lan, số lượng bệnh nhân là trẻ em và vị thành niên được điều trị các bệnh mãn tính do giảm hoạt động thể chất đã tăng lên nhanh chóng. Thêm vào đó là việc các loại trái cây ngào đường 'Tanghuru' gần đây cũng vô cùng phổ biến, vì vậy cần đặc biệt chú ý đến công tác quản lý sức khỏe".
Mặt khác, 'Tanghuru' (tiếng Hàn: 탕후루) là món kẹo hồ lô trái cây bắt nguồn từ Trung Quốc. 'Tanghuru' có nguyên liệu chủ yếu là các loại trái cây (như dâu tây, nho, quýt) được xiên vào que tre dài và phủ một lớp đường. Hiện nay, trên Instagram ở Hàn Quốc có hơn 148.000 bài đăng có gắn từ khoá này.