Kinh tế Chính trị

Giao dịch trực tuyến về du lịch và vận tải quý III/2023 ghi nhận thành tích cao kỷ lục nhờ hiệu ứng từ kỳ nghỉ Trung thu kéo dài

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:01 03-11-2023
Khi nhu cầu đi lại tăng lên do trùng với mùa du lịch cao điểm hè và kỳ nghỉ Trung thu kéo dài 6 ngày, giá trị giao dịch trực tuyến cho các dịch vụ du lịch và vận tải trong quý III (tháng 7~9) của Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, ghi nhận gần 6 nghìn tỷ won.

 
Các cửa hàng miễn thuế ở sân bay Seoul đông đúc trong dịp nghỉ lễ Trung thu Ảnh chụp vào ngày 2792023 ẢnhYonhap News
Các cửa hàng miễn thuế ở sân bay Seoul đông đúc trong dịp nghỉ lễ Trung thu. Ảnh chụp vào ngày 27/9/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo 'Xu hướng mua sắm trực tuyến tháng 9' do Cục Thống kê Hàn Quốc công bố vào ngày 3, giá trị giao dịch mua sắm trực tuyến trong quý III/2023 của nước này lên tới 56.939,3 tỷ won (khoảng 43,07 tỷ USD), tương đương mức tăng 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo từng nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch và vận tải ghi nhận giá trị giao dịch ở mức 6.424 tỷ won (khoảng 4,86 tỷ USD), tăng 32,1% so với năm ngoái, mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Các chuyên gia giải thích rằng nhu cầu đi lại trong thời điểm này đã tăng cao do đây là kỳ nghỉ hè đầu tiên sau dịch cộng với việc người dân có thêm gần 1 tuần nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) và Quốc khánh vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Trước đó trong tháng 9, giá trị dịch vụ du lịch và vận tải cũng đã đạt 2.056,1 tỷ won; liên tục duy trì mức 2.000 tỷ won trong ba tháng liên tiếp kể từ tháng 7.

Trong quý 3, giao dịch của các sản phẩm thực phẩm·đồ uống và phiếu giảm giá điện tử (e-coupon) cũng tăng lần lượt 13,7% và 36,4% lên 7.870,6 tỷ won và 2.513,6 tỷ won.

Thiết bị liên lạc đạt 1.342,4 tỷ won, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét tỷ trọng số tiền giao dịch theo nhóm sản phẩm, các sản phẩm thực phẩm·đồ uống chiếm tỷ trọng lớn nhất với 13,8%, tiếp theo là dịch vụ ăn uống (12,1%) và dịch vụ du lịch, vận tải (11,3%).

Số tiền giao dịch mua sắm trực tuyến trong tháng 9 là 19.017,7 tỷ won (khoảng 14,38 tỷ USD), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị giao dịch đối với sản phẩm thực phẩm·đồ uống và các mặt hàng gia súc nông thủy sản được ghi nhận lần lượt ở mức 2.748,5 tỷ won và 1.172,7 tỷ won, tăng lần lượt 22,1% và 40,9% so với một năm trước, mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Doanh thu bán hàng online trực tiếp tại nước ngoài cũng đạt 441,6 tỷ won trong quý III, tăng 6,4% so với một năm trước.

Xét theo quốc gia, con số này tăng ở Trung Quốc (11,1%) và Mỹ (17,7%); theo nhóm sản phẩm, tăng ở mỹ phẩm (19,5%), máy tính và thiết bị ngoại vi (33,2%).

Mặt khác, giao dịch mua hàng trực tiếp từ nước ngoài cũng ghi nhận 1,63 nghìn tỷ won, tăng 24,8%. Cụ thể các đơn hàng tăng ở các quốc gia như Trung Quốc (106,4%) và Nhật Bản (4,1%); đối với các nhóm sản phẩm như quần áo và các sản phẩm liên quan đến thời trang (39,7%) cũng như các sản phẩm gia dụng và vật dụng dành cho ô tô (38,9%).

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기