Đời sống Xã hội

Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn cách sống cô lập/ẩn dật…Vì sao nên nỗi?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:51 13-12-2023
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy tại Hàn Quốc có tới 540.000 người trong độ tuổi từ 19~34 được phân loại là "thanh niên cô lập" (theo định nghĩa của chính phủ). Đáng chú ý, trong số những thanh niên chọn cách cô lập mình với thế giới có không ít người đã từng nghĩ đến việc tự tử, thậm chí thực sự đã đưa ra lựa chọn cực đoan.
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Vào ngày 13, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố kết quả 'Khảo sát năm 2023 về tình trạng thanh niên cô lập và ẩn dật' tại Ủy ban Điều phối Chính sách Thanh niên do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì.

'Cô lập' dùng để chỉ trạng thái một người hiếm khi tham gia vào các hoạt động xã hội, gây khó khăn cho việc yêu cầu giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp, và 'ẩn dật' dùng để chỉ trạng thái chỉ nhốt mình trong nhà mà không tham gia vào các hoạt động xã hội.

◇ 'Sinh viên tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 20' là đối tượng sống cô lập và ẩn dật nhiều nhất…75% "có ý nghĩ tự tử"

Cuộc khảo sát này là hành động tiếp theo dựa trên kết quả của 'Khảo sát cuộc sống thanh niên năm 2022' được công bố vào tháng 3 năm nay và 'Nghiên cứu về phát triển mô hình dự án hỗ trợ cho thanh niên cô lập và ẩn dật' của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.

Cuộc khảo sát này do Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc (KIHASA) thực hiện với khoảng 56.000 thanh niên từ 19~39 tuổi trên thông qua một liên kết trực tuyến. Trong số đó có tổng cộng 33.000 người đã thực sự tham gia khảo sát và 21.360 người đã hoàn thành câu trả lời cuối cùng.

Trong số những người tham gia khảo sát trả lời cho tới câu hỏi cuối cùng, 12.105 người, tương đương gần 60%, được xác định là có nguy cơ gặp rủi ro. Đặc biệt, thông qua khảo sát thứ cấp, 1.903 người đã chính thức yêu cầu được trợ giúp.

Về giới tính, tỉ lệ người tham gia khảo sát là nữ giới chiếm 72,3%, nhiều hơn khoảng 2,6 lần so với nam giới (27,7%).

Theo độ tuổi, có nhiều thanh niên sống biệt lập và ẩn dật hơn ở độ tuổi từ 25~29 (37,0%) và từ 30~34 (32,4%). Phần lớn là sinh viên tốt nghiệp đại học (75,4%), tiếp theo là tốt nghiệp trung học phổ thông (18,2%), sau đại học trở lên (5,6%), và tốt nghiệp trung học cơ sở trở xuống (0,8%).

Cứ hai người được hỏi thì có một người phàn nàn về vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Đặc biệt, 75,4% trả lời rằng họ đã từng nghĩ đến việc tự tử, tỷ lệ này rất cao so với tỷ lệ trung bình có ý nghĩ tự tử ở tất cả thanh niên (2,3%).

Trong số những người từng cân nhắc việc tự tử, 26,7% thực sự đã có hành động cực đoan.

Thời gian sống ẩn dật càng lâu, tỷ lệ có ý định tự tử và có hành động cực đoan cũng tăng dần, đòi hỏi sự trợ giúp kịp thời từ chính phủ hoặc các tổ chức hỗ trợ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 80,8% thanh niên lựa chọn sống cô lập, ẩn dật mong muốn thoát khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, khoảng một nửa số người được hỏi (45,6%) dù đã cố gắng quay trở lại cuộc sống thường ngày nhưng sau đó lại quyết định tách mình với xã hội là do cảm thấy không có đủ tiền bạc hoặc thời gian để có thể bước ra khỏi nhà.

◇ 60% bắt đầu sống ẩn dật và cô lập ở độ tuổi 20...Nguyên nhân đến từ 'thất nghiệp·mối quan hệ xã hội'

Khảo sát cho thấy phần lớn (60,5%) người khảo sát bắt đầu chọn tách mình khỏi xã hội ở độ tuổi 20~29 và 23,8% ở độ tuổi 10~19.

Nguyên nhân được đưa ra là những khó khăn liên quan đến việc làm (24,1%), các mối quan hệ cá nhân (23,5%), mối quan hệ gia đình (12,4%) và sức khỏe (12,4%).

Thời gian trốn tránh phổ biến nhất là trên 1 năm đến dưới 3 năm (26,3%). Cá biệt, 6,1% đã tách mình khỏi thế giới trong hơn 10 năm.

16,8% số người được hỏi cho biết họ đã không liên lạc với gia đình hoặc người thân trong hai tuần qua, cao gấp 10 lần so với mức trung bình của thanh niên (1,5%).

Hỗ trợ tài chính (88,7%) được cho là trợ giúp cần thiết nhất. Hơn 80% cũng đề cập đến việc hỗ trợ việc làm và kinh nghiệm làm việc cũng như hỗ trợ cho các hoạt động cá nhân.

75,7% số người tham gia khảo sát đánh giá mức độ kinh tế của bản thân thuộc 'tầng lớp thấp kém' và hơn một nửa (54,3%) cho rằng cả gia đình thuộc 'tầng lớp thấp'.

Khi được hỏi về sự hài lòng trong cuộc sống, điểm trung bình là 3,7 điểm; chỉ bằng một nửa mức độ hài lòng của toàn bộ giới trẻ (6,7 điểm).

Vì chọn cách sống xa cách với mọi người nên những người này chủ yếu dựa vào 'phương tiện truyền thông trực tuyến' để tiếp cận thông tin bên ngoài (73,2%). Các hoạt động chủ yếu bao gồm xem video (23,2%) và hoạt động trực tuyến (15,6%).

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기