Đời sống Xã hội

Tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi của Hàn Quốc đứng đầu trong các nước OECD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:19 19-12-2023
Tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi ở Hàn Quốc một lần nữa đứng đầu trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

 
Những người cao tuổi đang xếp hàng dài để nhận bữa trưa miễn phí tại Công viên Tapgol ở Jongno-gu Seoul vào chiều ngày 8122023 ẢnhYonhap News
Những người cao tuổi đang xếp hàng dài để nhận bữa trưa miễn phí tại Công viên Tapgol ở Jongno-gu, Seoul vào chiều ngày 8/12/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo báo cáo 'Tổng quan về lương hưu 2023' do OECD công bố mới đây vào ngày 19, tính đến năm 2020, tỷ lệ nghèo về thu nhập của người cao tuổi từ 66 tuổi trở lên ở Hàn Quốc là 40,4%, cao hơn gần gấp 3 lần so với mức trung bình của các nước thành viên OECD (14,2%).

Tỷ lệ nghèo về thu nhập là tỷ lệ dân số có thu nhập trung bình ở ngưỡng nghèo tức là 'dưới 50% thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình bình thường'.

Trong số các nước thành viên OECD, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có tỷ lệ người cao tuổi nghèo về thu nhập cao, lên tới 40%.

Estonia (34,6%) và Latvia (32,2%), là 2 quốc gia đứng ngay sau Hàn Quốc tuy nhiên tỷ lệ vẫn ở mức dưới 35%, trong khi Nhật Bản (20,2%) và Mỹ (22,8%) chỉ bằng một nửa so với Hàn Quốc.

Các nước có tỷ lệ người già nghèo đói thấp chủ yếu là các nước Bắc hoặc Tây Âu như Iceland (3,1%), Na Uy (3,8%), Đan Mạch (4,3%) và Pháp (4,4%).

Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đói ở người cao tuổi Hàn Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi nhóm đối tượng này tiếp tục già đi.

Trong số những người cao tuổi từ 66 tuổi trở lên, tỷ lệ nghèo về thu nhập đối với những người từ 66~75 tuổi là 31,4%, trong khi đối với những người từ 76 tuổi trở lên là 52,0%, nghĩa là cứ hai người thì có hơn một người thuộc nhóm nghèo.

Theo giới tính, tỷ lệ nghèo về thu nhập của phụ nữ Hàn Quốc từ 66 tuổi trở lên là 45,3%, cao hơn nam giới 11,3 điểm phần trăm (34,0%). Trong khi đó tỷ lệ trung bình của OECD là 11,1% đối với nam và 16,5% đối với nữ.

OECD phân tích: "Người cao tuổi là nữ giới có tỷ lệ nghèo cao hơn người cao tuổi nam vì họ nhận được ít trợ cấp hưu trí liên quan đến thu nhập hơn và có tuổi thọ cao hơn. Tại Hàn Quốc, khoảng cách về tỷ lệ nghèo giữa nam và nữ người cao tuổi là hơn 11 điểm phần trăm, đó là một khoảng cách tương đối lớn".

Thông thường người cao tuổi có thu nhập khả dụng ít hơn so với tổng dân số ở hầu hết các nước thành viên OECD, nhưng tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Hàn Quốc.

Thu nhập khả dụng trung bình của dân số từ 66 tuổi trở lên ở các nước thành viên OECD là 88,0% thu nhập khả dụng trung bình của toàn dân.

Thu nhập khả dụng của người cao tuổi ở Hàn Quốc là 68,0% tổng thu nhập, thấp gần nhất trong số các nước thành viên OECD khi chỉ xếp sau sau Litva (67,4%). 

Thu nhập của người cao tuổi Hàn Quốc cũng không đồng đều giữa các tầng lớp.

Hệ số Gini của thu nhập khả dụng đối với người già từ 66 tuổi trở lên là 0,376, cao hơn mức trung bình của OECD (0,306).

Hệ số Gini là một chỉ báo về bất bình đẳng thu nhập được tính dựa vào đường cong Lorenz trong đó kết quả càng gần 1 thì càng cho thấy sự bất bình đẳng trong thu nhập.

Ở Hàn Quốc, hệ số Gini của người cao tuổi (0,376) lớn hơn hệ số Gini của toàn bộ dân số (0,331). Điều này có nghĩa là sự bất bình đẳng về thu nhập ở người cao tuổi lớn hơn so với tổng dân số.

OECD đánh giá "Hệ thống lương hưu của Hàn Quốc vẫn còn non nớt và lương hưu mà người cao tuổi nhận được ở mức rất thấp".

Tỷ lệ thay thế lương hưu của Hàn Quốc (tỷ lệ số tiền lương hưu được nhận so với thu nhập trung bình trong thời gian đăng ký lương hưu) là 31,6%, thấp hơn 2/3 mức trung bình của OECD (50,7%).

'Tỷ lệ thay thế lương hưu ròng', so sánh thu nhập khả dụng sau khi nghỉ hưu với thu nhập khả dụng trong thời gian làm việc trước khi nghỉ hưu, chỉ là 35,8%, chỉ bằng một nửa mức trung bình của OECD (61,4%).

Kim Won-seop, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, cho biết: "Người cao tuổi Hàn Quốc thường tiếp tục làm việc cho đến 70 tuổi, nhưng chi tiêu lương hưu công của chính phủ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quá thấp ở mức 3,6%, chỉ bằng một nửa của OECD dẫn đến tình trạng nghèo đói ở người già. Chi tiêu lương hưu công phải được nâng lên mức trung bình của OECD, và đặc biệt, chi tiêu lương hưu cơ bản, có thể có tác động ngay lập tức, phải được tăng lên".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기